16:08 31/03/2021

Thị trường khởi sắc, nhà đầu tư địa ốc đang đổ về Đà Nẵng

Phan Huyền

Theo nhiều chuyên gia, việc nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về pháp lý đất đai từ Chính quyền địa phương là những yếu tố thu hút nhà đầu tư đang quay lại thị trường bất động sản Đà Nẵng

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND thành phố cũng đã phê duyệt danh mục 57 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư.
Đầu tháng 3 vừa qua, UBND thành phố cũng đã phê duyệt danh mục 57 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư.

"Bất động sản Đà Nẵng đang có xu hướng tăng giá, giao dịch cũng sôi động hơn nhiều so với 2020. Cá nhân tôi, tháng vừa qua đã thực hiện gần 20 giao dịch, trong khi năm trước, mỗi tháng chỉ bán được vài lô đất", ông Trần Anh Quốc Cường, CEO công ty 86 Groups, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản miền Trung cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, việc nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về pháp lý đất đai từ Chính quyền địa phương; nhiều quy hoạch lớn cùng các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị được đẩy mạnh triển khai… là những yếu tố thu hút nhà đầu tư đang quay lại thị trường bất động sản Đà Nẵng.

GIÁ BÁN VẪN NẰM TRONG VÙNG ĐÁY

Cụ thể, ngày 29/3/2021, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức công bố các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng. Đó là, Nghị định triển khai Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu và Chủ trương cho phép xây dựng đề án Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng…

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND thành phố cũng đã phê duyệt danh mục 57 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư. Trong đó có dự án hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như hệ thống tàu đầu tháng 3/2021 điện ngầm, xe điện bánh sắt tramway tổng mức đầu tư dự kiến 54.500 tỷ đồng và dự án tàu điện kết nối kết nối từ sân bay Đà Nẵng, qua trung tâm thành phố đến Hội An theo tuyến đường ven biển đến phố cổ Hội An với vốn đầu tư dự kiến 7.497-14.995 tỷ đồng. Địa phương này cũng đang đẩy mạnh các hoạt động khơi thông sông Cổ Cò. quy hoạch hai bên sông thành các bến thuyền du lịch kết hợp với các công viên, các khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, làng du lịch cộng đồng…

Bên cạnh đó, sự tháo gỡ về mặt pháp lý giúp cho các dự án nhờ Nghị định 148, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, sự nỗ lực giải quyết những vướng tồn đọng của Chính quyền địa phương đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật, rút gọn thời gian chuẩn bị và đơn giản hoá quy trình. Các dự án tư nhân cũng được thúc đẩy, làm ấm dần nền kinh tế và góp phần thay đổi diện mạo của cả thành phố.

Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, bất động sản luôn "ăn" theo hạ tầng. Hạ tầng phát triển đến đâu, nhu cầu đầu tư bất động sản gia tăng đến đó. Vì thế không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư đang hồ hởi quay trở lại với thị trường bất động sản Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị làm bất động sản, nguồn cung hạn chế và đặc biệt là giá nhà đất đang còn thấp sau thời kỳ trầm lắng vì dịch bệnh mới là yếu tố chính thu hút các nhà đầu tư đến Đà Nẵng vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Vietnam phân tích: Trong 2020, nguồn cung và lượng tiêu thụ bất động sản trên nguồn cung mới tại Đà Nẵng đều giảm mạnh. Phân khúc nhà phố - biệt thự - shophouse gần như không có dự án mới mở bán, giao dịch trên thị trường chủ yếu là nguồn cung sơ cấp còn lại của dự án đã mở bán trước đó. Thị trường tiếp tục hạ nhiệt sau giai đoạn tăng trưởng nóng (từ năm 2018 - tháng 4/2019) với mức thanh khoản thấp ở nhiều dự án. 

Về phân khúc đất nền, cả năm thị trường đón nhận 2 dự án mở bán, cung cấp khoảng 183 nền, chỉ bằng 3% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 57% (104 nền), tương đương gần 2% lượng tiêu thụ năm 2019. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp kém sôi động, tính thanh khoản thấp.

"Sau khi bị phong toả vì dịch bệnh, giá bán bất động sản Đà Nẵng đã giảm 20 - 40%. Hiện nay, việc có vaccine cộng với các ngành nghề khác đang khó khăn, nhiều nhà đầu tư lại dồn tiền vào mua bất động sản. Ngoài Hà Nội và Tp.HCM, thì Đà Nẵng vẫn là thị trường hấp dẫn đầu tư nhất. Bởi nơi đây, hạ tầng phát triển đồng bộ, kết nối thuận tiện đi các vùng, quy hoạch xây dựng, đất đai bài bản… Hơn nữa, hệ thống giáo dục, đặc biệt là du lịch tại Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế cũng đã có mặt tại đây… giúp Đà Nẵng trở thành tâm điểm đầu tư bất động sản, và thường nóng hơn các địa phương khác.

Trong khi đó, vào thời điểm này, giá nhà đất Đà Nẵng đang thấp hơn cách đây 1 năm khoảng 30% dù đang có xu hướng tăng trưởng ổn định trở lại, với mức tăng tầm 15 - 20% so với năm trước. Tuy vậy, nguồn cung hiện nay hạn chế, dự án lớn gần như không có nên sẽ không có cơ hội cho những người đến sau. Khách mua giờ đây cũng không xác định "lướt sóng", mua theo phong trào như trước mà thường là những người am hiểu thị trường, có nguồn vốn ổn định và xác định đầu tư dài. Họ đến từ nhiều nơi trên cả nước, trong đó 60% là khách đến từ Hà Nội", ông Trần Anh Quốc Cường cho biết.

ĐỊA ỐC ĐÀ NẴNG BƯỚC SANG CHU KỲ MỚI

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Loan, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội nhận định: Sau đợt dịch vừa qua, giới đầu tư càng nhận ra rằng, đất đai chính là kênh đầu tư an toàn nhất, không chỉ đảm bảo giá trị mà vẫn có triển vọng gia tăng bền vững theo thời gian. Có thể thấy thị trường bất động sản Đà Nẵng đang ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực, và mang tính bền vững khi lượng giao dịch tăng mạnh nhưng giá cả vẫn rất thấp. 

Giới đầu tư từ Hà Nội, Tp.HCM đang âm thầm quay trở lại tìm kiếm bất động sản Đà Nẵng, nhằm đón đầu cơ hội tăng giá đột phá sau này. Nguyên nhân là do mức giá nhà đất tại Đà Nẵng đã chạm đáy và đang thấp hơn rất nhiều so với giá chào bán ở các thành phố ven biển khác cũng như Hà Nội, Tp.HCM.

"Nếu có 3 - 4 tỷ đồng, khách hàng chỉ có thể mua một căn chung cư tầm trung tại Hà Nội, Tp.HCM nhưng đến Đà Nẵng thì có thể mua được 1-2 nền đất, tuỳ từng vị trí; Hay có trong tay 30 - 40 tỷ cũng chỉ mua được 1 căn biệt thự/ nhà phố ở 2 thành phố trên. Song đến Đà Nẵng, có khả năng mua được 1 khách sạn mini ở vị trí đẹp. Tôi cho rằng sau thời kỳ rớt giá thê thảm bởi dịch bệnh, hiện nay, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang bước sang chu kỳ tăng trưởng mới ", bà Loan cho hay.

Quan sát trên thị trường cho thấy, giới đầu tư quay trở lại thị trường Đà Nẵng đang có bước đi thận trọng, chắc chắn. Họ thường chọn mua sản phẩm tại những dự án được quy hoạch bài bản, đầy đủ pháp lý. Đồng thời cũng tìm hiểu kỹ thị trường chứ không chạy theo thông tin quy hoạch và không bị tác động bởi việc "đầu cơ thổi giá" của một bộ phận môi giới."

Dưới góc độ là người có nhu cầu thực, đang tìm mua một căn nhà ở quận Cẩm Lệ để kinh doanh, ông Trần Nam chia sẻ: Tôi đã tìm hiểu kỹ nên không lao vào các thị trường đang nóng sốt mà lựa chọn mua nhà tại đây vì thấy rằng thị trường bất động sản Đà Nẵng mang giá trị thực bền vững. Bởi địa phương này có rất nhiều tiềm năng hiện hữu: có bờ biển đẹp và nhiều danh lam thắng cảnh; là địa phương đã phát triển hạ tầng đồng bộ và là thành phố đáng sống bậc nhất hiện nay. Hơn nữa, Đà Nẵng đang phấn đấu để trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. 

Chính quyền khóa mới đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển song song với thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. Do đó, thị trường sẽ không "nóng sốt" hay giá tăng phi mã như giai đoạn 2016 - 2018 mà sẽ bước sang một chu kỳ tăng trưởng đúng giá trị thực một cách bền vững. Từ đó, đem đến lợi ích không chỉ cho nhà đầu tư mà cả người mua có nhu cầu sử dụng thật.