Thiếu nhân công trầm trọng, Nhật Bản vẫn “kén” lao động có kỹ năng
Mới đây, Chính phủ Nhật đã nới lỏng chính sách nhập cư để tiếp nhận thêm lao động nước ngoài
Hầu hết các công ty Nhật Bản đều ủng hộ việc Chính phủ nước này nới lỏng chính sách nhập cư ngặt nghèo như một biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Tuy nhiên, các công ty Nhật chỉ chuộng những lao động có kỹ năng, phù hợp với công việc, thay vì một dòng lao động thiếu kỹ năng - một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy.
Thị trường lao động tại Nhật Bản, quốc gia đang lão hóa nhanh, đang ở trong tình trạng thiếu cung nghiêm trọng nhất trong gần một nửa thế kỷ trở lại đây. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ Nhật đã nới lỏng chính sách nhập cư để tiếp nhận lao động nước ngoài trong những lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất ôtô, cửa hàng tiện ích…
Hồi tháng 6, Tokyo công bố kế hoạch cấp giấy phép làm việc có thời hạn 5 năm cho lao động nước ngoài trong một số ngành nhất định. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cân nhắc cho phép lao động nước ngoài vượt qua những bài kiểm tra nhất định được cư trú vô thời hạn và đưa cả gia đình sang cùng. Đây là những thay đổi lớn trong chính sách nhập cư của đất nước mặt trời mọc.
Tuy nhiên, trong một xã hội vốn đề cao tính thuần nhất của mình, Chính phủ Nhật khẳng định việc nới lỏng này không phải là mở cửa nhập cư. Cuộc khảo sát của Reuters nhận thấy rằng các công ty Nhật có sự phân biệt rõ ràng giữa lao động nhập cư được phép làm việc vì vượt qua các bài kiểm tra năng lực và lao động nhập cư không có kỹ năng.
Cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters phát hiện 57% các công ty lớn và trung bình của Nhật Bản có sự sử dụng lao động nước ngoài và 60% ủng hộ một hệ thống nhập cư cởi mở hơn. Tuy nhiên, chỉ 38% ủng hộ việc cho phép lao động thiếu kỹ năng tới Nhật Bản làm việc để giảm bớt tình trạng thiếu lao động.
"Nhìn chung, các công ty Nhật vẫn thận trọng trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài", ông Yoshiyuki Suimon, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Nomura Securities, nhận định. "Họ nhận thức được sự cần thiết phải tiếp nhận lao động nhập cư trong dài hạn, nhưng hiện tại họ vẫn cố gắng giải quyết tình trạng thiếu lao động thông qua đầu tư vào tự động hóa và công nghệ tiết kiệm sức lao động. Các nhà hàng và cửa hiệu bán lẻ cũng tích cực thuê sinh viên nước ngoài" được phép làm việc 28 giờ mỗi tuần.
Cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, một số công ty xem lao động nước ngoài thiếu kỹ năng là một nguồn lao động giá rẻ, nhưng số khác lo ngại về chi phí gia tăng nếu sử dụng nguồn lao động này, chẳng hạn chi phí đào tạo và quản lý, bên cạnh những trở ngại về văn hóa và ngôn ngữ.
Số lao động nước ngoài ở Nhật Bản đã tăng gấp hơn 2 lần trong 1 thập kỷ qua , lên mức 1,3 triệu người, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ chưa đầy 2% tổng lực lượng lao động ở nước này, so với tỷ lệ 10% ở Anh, 38% ở Singapore và 2% ở Hàn Quốc.
Một số doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ lo ngại rằng việc mở cửa cho lao động nhập cư sẽ đe doạn an toàn công cộng và ổn định xã hội, đồng thời làm gia tăng chi phí phúc lợi. Một số thậm chí nhấn mạnh rằng quan điểm của châu Âu đối với người nhập cư giờ đây đã trở nên cứng rắn hơn.
"Lao động nước ngoài tại công ty của chúng tôi đều là kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học Nhật Bản", nhà quản lý của một công ty sản xuất máy kỹ thuật điện tham gia cuộc khảo sát nói. "Họ đều là lao động có kỹ năng cao, nói được tiếng Nhật và đã học lý thuyết công nghệ tại trường đại học. Chúng tôi sẽ xem xét sử dụng thêm những lao động như vậy, nhưng sẽ không nhận lao động nước ngoài không có kỹ năng".