“Thỏa thuận Mỹ-Trung có thể được ký trước Giáng sinh”
Nhà quản lý của quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ Pimco lạc quan về khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được hoàn tất và ký kết trước lễ Giáng sinh năm nay - một nhà điều hành cấp cao của quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ Pimco nhận định.
Lạc quan về khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận đã suy giảm trong những ngày gần đây, sau khi có những thông tin cho thấy Washington và Bắc Kinh còn bất đồng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc ông Trump chưa muốn dỡ thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh không chịu đưa ra cam kết cụ thể về mua nông sản Mỹ.
Tuy nhiên, ông John Studzinski, Giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch Pimco, nói trong một cuột trao đổi với hãng tin CNBC ngày 19/11 rằng ông tin chắc Mỹ-Trung sẽ đạt một thỏa thuận thương mại một phần.
"Đúng là còn một số vấn đề về mua nông sản, chuyển giao công nghệ hay thực thi thỏa thuận. Nhưng tôi cho rằng quan điểm của họ là cố gắng giải quyết được điều gì đó trước tháng 12 và ký thỏa thuận trước Giáng sinh", ông Studzinski phát biểu.
"Theo quan điểm của tôi, ông Trump coi việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc là việc quan trọng. Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ muốn ông ấy mang lại một dạng ổn định nào đó, giảm bớt căng thẳng trong quan hệ nói chung và quan hệ thương mại nói riêng giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Studzinski nói thêm.
Tuy nhiên, nhà quản lý quỹ cũng nhấn mạnh rằng đạt thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ không giúp giải quyết tất cả các vấn đề giữa hai siêu cường kinh tế.
"Cho dù có muốn hay không, chúng ta cũng đang chứng kiến một sự kiện lớn. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ ha, hai nền văn hóa lớn, hai nước lớn phải nghĩ lại về mối quan hệ giữa họ", ông nói. "Thế giới sẽ trở nên mạnh hơn và ổn định hơn nếu hai quốc gia này có thể tìm ra biện pháp để dung hòa lợi ích, thay vì cố kèn cựa nhau".
Theo ông Studzinski, trên nhiều phương diện, Mỹ và Trung Quốc là sự bổ sung lẫn nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ có 3-4 thế hệ kỹ sư được đào tạo ở Thung lũng Silicon, trong khi Trung Quốc có chuyên môn sâu về sản xuất những linh kiện "rất phức tạp". Sự kết hợp của hai bên trong lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế thế giới, ông Studzinski nhấn mạnh.