Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới RCEP có ý nghĩa như thế nào?
Sau 6 năm đàm phán, 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đặt mục tiêu ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào 2020
Sau 6 năm đàm phán, 15 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đặt mục tiêu ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2020. Theo hãng tin CNBC, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, và không có sự tham gia của Mỹ.
RCEP bao gồm 10 nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 5 đối tác thương mại lớn của khối này gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản New Zealand và Hàn Quốc. Tổng cộng, 15 quốc gia này chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu. Bởi vậy, RCEP sẽ lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU) hay Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Ban đầu, có 16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, nhưng cuối cùng Ấn Độ đã quyết định rút lui vì lo ngại thỏa thuận sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.
RCEP ra đời như thế nào?
RCEP được khởi xướng vào năm 2012 từ Campuchia, như một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn.
6 quốc gia này, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc, đều đã có thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) riêng lẻ với ASEAN. Với việc ký kết một thỏa thuận bao trùm là RCEP, thương mại giữa các quốc gia thành viên sẽ được thúc đẩy nhờ hàng rào thuế quan được hạ thấp, các quy định và thủ tục hải quan được quy chuẩn hóa, và cánh cửa thị trường được mở rộng hơn giữa các nước hiện chưa có FTA với nhau.
16 nước bắt đầu đàm phán RCEP vào năm 2013, trong khi một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Do Trung Quốc tham gia RCEP và Mỹ đang dẫn đầu TPP - thỏa thuận khi đó được kỳ vọng sẽ trở thành FTA lớn nhất thế giới - đã có nhiều ý kiến cho rằng RCEP sẽ là một cách để Bắc Kinh đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Washington trong khu vực.
Tuy nhiên, sau khi cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận, gồm Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết, và thực thi TPP từ cuối năm 2018. Thỏa thuận này đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Giống như CPTPP, RCEP là một thỏa thuận không dễ dàng và là một nỗ lực của các nước chống lại chủ nghĩa bảo hộ cho dù nước Mỹ thời ông Trump chủ trương sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.
Sau khi rút Mỹ khỏi TPP, ông Trump đã áp thuế quan lên nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại của Mỹ mà ông cho là có hành vi thương mại bất bình đẳng. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại mà ông châm ngòi với Trung Quốc đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi, gây sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Trong bối cảnh như vậy, sự cấp bách phải hoàn tất RCEP càng gia tăng.
RCEP có ý nghĩa như thế nào?
Văn kiện chính thức của RCEP sẽ được các nước thành viên rà soát kỹ lưỡng trước khi ký kết và công bố.
Giới truyền thông và các nhà phân tích nói rằng RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì sẽ giảm mạnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia trong thỏa thuận mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.
Bà Deborah Elms, Giám đốc công ty tư vấn Asian Trade Centre, nói rằng cách này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á bán được nhiều sản phẩm hơn tại thị trường khu vực.
Đối với các công ty xuất khẩu hàng hóa ra ngoài khối, việc xây dựng chuỗi cung ứng trong các nước RCEP cũng mang lại nhiều lợi ích hơn.
Tuy nhiên, RCEP bị cho là thiếu chất lượng và quy mô như CPTPP. Cụ thể hơn, RCEP không có cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ quyền của người lao động và bảo vệ môi trường như CPTPP. Chưa kể, RCEP cũng bao trùm ít ngành dịch vụ hơn, và đây chính là một lý do được cho là khiến Ấn Độ rút lui.
Vai trò của Ấn Độ
New Delhi tham gia đàm phán RCEP từ đầu, nhưng mới đây đã rút lui khỏi thỏa thuận, vì lo ngại không bảo vệ được các nhà sản xuất trong nước. Sự thận trọng của Ấn Độ chính là một trong những rào cản chính đối với tiến trình đàm phán RCEP gần đây.
Một số thành viên RCEP, trong đó có Nhật Bản, xem sự tham gia của Ấn Độ vào thỏa thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên phương diện kinh tế cũng vai trò của nước này như một đối trọng với Trung Quốc, theo công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group. Điều này dễ hiểu bởi Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và là một thị trường tiêu dùng lớn.
Công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo rằng cho dù Ấn Độ rút lui, 15 nước còn lại trong RCEP vẫn sẽ đưa thỏa thuận vào thực thi. "Không có Ấn Độ, RCEP giảm tầm quan trọng, nhưng con đường tiến tới thực thi thỏa thuận này trở nên êm ái hơn", một báo cáo của EIU viết.