07:13 12/05/2023

Thông tư 03 có tạo ra thanh khoản thực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Phan Linh

Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước dồn dập ban hành các Thông tư 02/2023/TT -NHNN cho phép giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và Thông tư 03/2023/TT -NHNN cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp. Giới phân tích nhận định gì về các thông tư này?...

Nhiều giải pháp nhằm tăng thanh khoản, gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp nhằm tăng thanh khoản, gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp.

FiinRatings vừa có báo cáo đánh giá tác động của Thông tư 02/2023/TT -NHNN và Thông tư 03/2023/TT -NHNN tới các chủ thể trên thị trường tài chính.

TẬP TRUNG GIÃN NỢ, GIỮ NGUYÊN NHÓM NỢ CHO CÁC KHÁCH HÀNG LỚN?

Thông tư 02/2023/TT -NHNN, có một số quy định đáng lưu ý.

Theo đó, tại Điều 4 có các quy định về xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ.

Các điều kiện chính: (i) phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi tới hết ngày 30/6/2024; (ii) dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày;  (iii) khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm; (iv) có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.

Tại Điều 5 về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, một số quy định cần lưu ý: (i) giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại; (ii) khoản nợ sau khi cơ cấu lại bị quá hạn… phải phân loại lại vào nhóm nợ rủi ro cao hơn; (iii) số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại… không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng

Tại Điều 6 về trích lập dự phòng rủi ro quy định như sau. Số tiền dự phòng phải trích bổ sung = A – B. Trong đó, A là số tiền dự phòng cụ thể phải trích (chuyển nhóm nợ). B là số tiền dự phòng cụ thể đã trích (giữ nguyên nhóm nợ). 

Thời gian trích lập: trích tối thiểu 50% tới 31/12/2023; trích hết 100% tới 31/12/2024.

Đánh giá về tác động của quy định này tới hệ thống ngân hàng, các chuyên gia cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng tạm thời được duy trì trong năm 2023.

Theo đó, gánh nặng trích lập và tác động làm suy giảm lợi nhuận sau thuế sẽ phân hóa giữa các ngân hàng. Thông tư 02 chủ yếu tác động mạnh đến ngân hàng không chủ động trích lập thừa trước đó, làm giảm lợi nhuận do tăng chi phí dự phòng. Tuy nhiên, việc chia làm 2 giai đoạn trích lập cũng làm giảm áp lực đáng kể.

Quy định hạch toán lãi dự thu sang ngoại bảng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế trong năm của một số ngân hàng ghi nhận khoản lãi dự thu lớn, song không phải thoái lãi mà vẫn được ghi nhận sau khi thu được.

Đối với đối tượng vay, Thông tư 02 giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận nguồn tín dụng mới để đảo nợ, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp.

Việc bổ sung nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống vào đối tượng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho thấy động thái kích cầu thị trường, gián tiếp hỗ trợ thanh khoản phía cầu của bất động sản khi thị trường nhà ở diễn ra tương đối ảm đạm từ nửa cuối 2022. 

 

Thông tư 02 trao quyền đánh giá và phân loại nợ cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, yêu cầu phải xác định được tính khả thi trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ sẽ là một thách thức trong việc triển khai và đánh giá của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bản chất khoản nợ được cơ cấu lại vẫn là nợ xấu và vì vậy vẫn nhảy nhóm nếu môi trường kinh doanh và tình hình doanh nghiệp không cải thiện sau 12 tháng khi quy định này hết hiệu lực.

Do đó, vẫn sẽ có rủi ro một số doanh nghiệp không cải thiện được tình hình tài chính có thể nhảy nhóm nợ, chịu thêm áp lực từ nợ vay cũ lẫn mới.

Thông tư 02 trao quyền đánh giá và phân loại nợ cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, yêu cầu phải xác định được tính khả thi trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ sẽ là một thách thức trong việc triển khai và đánh giá của các tổ chức tín dụng.

Do đó, các chuyên gia nhận định các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên các khoản vay lớn hoặc khách hàng lớn thay vì hoạt động này có thể áp dụng đại trà cho toàn bộ khách hàng trong khoảng thời gian ngắn như quy định cho phép.

TẠO TIỀN LỆ XẤU CHO THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP?

Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, cho phép tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi: doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu của FiinRatings nhận định Thông tư 03/2023/TT-NHNN tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà không cần chờ sau 1 năm.

Đồng thời, giúp ổn định tâm lý từ tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới.

Thông tư 03/2023/TT-NHNN cũng sẽ góp phần giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.

Tuy nhiên, Thông tư 03 cũng giới hạn doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng. FiinRatings cho biết phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp, phần lớn không đạt được các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cao. Do đó, khó đáp ứng tiêu chí mà Thông tư 03 đưa ra. 

Ngoài ra, việc thực hiện quy định về doanh nghiệp phát hành được xếp hạng ở mức cao nhất sẽ gặp phải khó khăn do có thể có nhiều cách hiểu trong nội dung này.

Xếp hạng tín dụng nội bộ được quy định trong Thông tư 11/2021/TTNHNN do các ngân hàng xây dựng và triển khai. Tuy nhiên, Thông tư 03 mức xếp hạng cao nhất có thể hiểu là mức điểm cao nhất trong hệ thống tín dụng nội bộ quy định tại Thông tư 11/2021/TTNHNN, nhưng cũng có thể giải nghĩa là mức điểm cao nhất trong nhóm các trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng thương mại đã bán, hoặc mức cao nhất trong từng nhóm ngành nghề mà doanh nghiệp phát hành nằm trong nhóm đó. Các ngân hàng thương mại sẽ cần được hướng dẫn cụ thể hơn để tránh việc áp dụng sai. 

 

Thông tư 03 giới hạn doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đang có nhiều cách hiểu về vấn đề này, có thể gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi thực thi.

Hiệu lực của Thông tư 03 chỉ kéo dài đến hết năm 2023. Do đó, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã/đang đáo hạn trước mắt nhằm giải tỏa áp lực nợ. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia đánh giá Thông tư 03 vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi ngân hàng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp bởi nếu trái phiếu lại quay lại sở hữu bởi ngân hàng, điều đó sẽ mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn. Điều này làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống, song sẽ giúp thị trường bình ổn trong dài hạn.