10:16 19/03/2024

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nhiều nước chi hàng tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp bán dẫn mở nhà máy”

Khánh Vy

Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo. Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới...

Phát biểu khai mạc tại họp báo công bố chương trình “Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Việt Nam cần chủ động tham gia vào làn sóng công nghệ thế giới, trong đó, công nghiệp bán dẫn và AI là 2 lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên phát triển.

Gần đây, công nghiệp bán dẫn là ngành được nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh phát triển. Nhiều cường quốc như Nhật Bản, Mỹ… sẵn sàng chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng nhà máy. Mới đây nhất, Nhật Bản đã trợ cấp gần 5 tỷ USD cho công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC để giúp doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế tạo chip thứ hai tại đây.

“Điều này cho thấy sự phát triển của công nghệ ngày càng diễn ra với tốc độ nhanh chóng, trong đó, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghiệp hiện đại”, Thứ trưởng nói.

NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo. Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.

Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn; tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa.

Cùng với ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong làn sóng phát triển của công nghệ AI, Việt Nam cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI.

Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights.

Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI… Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI.

Thứ trưởng Trần Duy Đông, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy và ông Rafael Frankel, Tập đoàn Meta tham gia buổi họp báo.
Thứ trưởng Trần Duy Đông, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy và ông Rafael Frankel, Tập đoàn Meta tham gia buổi họp báo.

Nhận xét về tiềm năng công nghiệp trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành trí tuệ nhân tạo và sẽ có vị thế trong khu vực.

KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY, ĐƯA CÔNG TY CÔNG NGHỆ TỚI VIỆT NAM

Tuy nhiên, để biến những tiềm năng này thành động lực tăng trưởng mới, đại diện Meta nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục duy trì được những lợi thế sẵn có, tư duy cởi mở và tận dụng được cơ hội lớn đang mở ra. Việt Nam cần trở thành nơi các công ty công nghệ thế giới muốn đến kinh doanh.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.

“Hiện đề án đang được lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành lần thứ hai và sẽ sớm trình Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng cho biết.

Không chỉ có sự chuyển động về chính sách, quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung và ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng tại Việt Nam đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đó là sự tham gia đầu tư các dự án mới của Tập đoàn Amkor (Mỹ) tại Bắc Ninh, sự tham gia của Công ty Siemens Electronic Design Automation trong đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn cho Việt Nam… Điều này cho thấy có sự quan tâm rất của các tập đoàn công nghệ thế giới đối với thị trường Việt Nam trong ngành công nghiệp mới, ngành công nghệ cao.

Tiếp tục đồng hành với Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta cho biết, thông qua Chương trình, Meta mong muốn tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

“Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu”, ông Rafael nói.

Thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, khuyến nghị và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.

Chương trình được thiết kế dành cho ba nhóm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm nhóm doanh nghiệp lớn; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs); nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tổng giá trị giải thưởng của Chương trình lên đến 300 nghìn USD.