23:59 04/05/2019

Thủ tướng: "Chỉ bàn tháo gỡ để tiến lên, không bàn lùi"

Song Hà

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải xem lại những bất cập trong phạm vi quản lý, nhất là với những vấn đề gây bức cho nhân dân, có ngay giải pháp để xử lý

Thủ tướng: Phải xem lại tình trạng tiếp nhận, trình ký hồ sơ tới đâu, có khó khăn phải giải quyết, phải báo cáo. Phần lớn hồ sơ trình tôi ký trong ngày, nhưng tôi cũng nghe nói có hồ sơ để 5-6 tháng chưa trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng: Phải xem lại tình trạng tiếp nhận, trình ký hồ sơ tới đâu, có khó khăn phải giải quyết, phải báo cáo. Phần lớn hồ sơ trình tôi ký trong ngày, nhưng tôi cũng nghe nói có hồ sơ để 5-6 tháng chưa trình lên Thủ tướng Chính phủ.

"Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng khó khăn càng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2019 của cả nước và từng bộ ngành, địa phương. Chỉ bàn tháo gỡ để tiến lên, không bàn lùi".

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, ngày 4/5.

"Kỷ cương, kỷ luật phải hâm nóng thường xuyên"

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu, cần thấy rõ những tồn tại, khó khăn thách thức trên các lĩnh vực, cần hết sức lưu ý tới những tác động từ tình hình thế giới. Các Bộ trưởng, trưởng ngành phải xem lại những bất cập trong phạm vi quản lý, nhất là với những vấn đề gây bức cho nhân dân, có ngay giải pháp để xử lý.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ từ nay tới cuối năm rất nặng nề, các bộ ngành, địa phương cần cố gắng hơn, đề ra các giải pháp, đối sách khả thi trước mắt và trung hạn, phù hợp với những diễn biến mới, các động thái chính trị, kinh tế, ngoại giao của các nước, các đối tác quốc tế và khu vực.

Các thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện quyết liệt hơn nữa các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, bám sát mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và hằng quý để điều hành. Cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh quyết liệt, hiệu quả.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhắc tới việc một số tỉnh thành phản ánh trình hồ sơ lên một số Bộ để rất lâu, rất chậm, tinh thần trách nhiệm trong phối hợp không phải đã tốt hết mà còn trắc trở.

"Phải xem lại tình trạng tiếp nhận, trình ký hồ sơ tới đâu, có khó khăn phải giải quyết, phải báo cáo. Phần lớn hồ sơ trình tôi ký trong ngày, nhưng tôi cũng nghe nói có hồ sơ để 5-6 tháng chưa trình lên Thủ tướng Chính phủ. Kỷ luật kỷ cương phải hâm nóng thường xuyên để phục vụ nhân dân tốt hơn", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành phải thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, giải pháp trong hai Nghị quyết 01 và 02. Từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0... Trong tháng 6, Thủ tướng, các Phó thủ tướng sẽ trực tiếp kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ tại một số bộ ngành.

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng linh hoạt

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng trước hết nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, không vì tăng trưởng mà vi phạm chỉ tiêu lạm phát.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành thực hiện tốt chính sách tiền tệ, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, có biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chú trọng hơn nữa công tác thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tình trạng mất an toàn.

Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Cùng với đó là làm tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách; giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, khánh tiết, công tác nước ngoài...

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019 gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước. Đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, đảm bảo việc cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, tránh tình trạng "mượn đường" để xuất khẩu sang nước thứ 3.

Theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cần theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nhà ở xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp; sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đầy đủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 tại phiên họp Chính phủ tháng 5, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo…  Sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết cụ thể hóa một số chính sách hỗ trợ quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng yêu cầu xử lý, giải quyết một số vấn đề nổi cộm mà dư luận đang quan tâm, trong đó có việc xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học năm 2018 và những năm trước, đảm bảo không có vùng cấm, tiếp tục lấy lại sự công bằng trong thi cử. Rút kinh nghiệm, tiếp tục rà soát các tình huống, nguy cơ để không xảy ra tiêu cực, sai phạm nào trong năm 2019.