05:18 01/06/2008

Thủ tướng giải trình về lạm phát

Văn Thành

Theo giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, có 5 nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian qua

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Quốc hội chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2008 là: “Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần”.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Quốc hội chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2008 là: “Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần”.
Theo giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, có 5 nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian qua.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đại biểu đặt vấn đề: tại sao cùng chịu tác động của thiên tai dịch bệnh, của tăng giá dầu mỏ, tăng giá lương thực, giá các nguyên liệu khác… nhưng lạm phát ở Việt Nam lại cao hơn so với nhiều nước khác?

Trước câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng lạm phát tăng cao xuất phát từ những yếu tố nội sinh, cũng như tác động lớn từ những yếu tố bên ngoài.

Cụ thể, có 5 nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian qua.

Thứ nhất, do đầu tư kém hiệu quả, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế thấp. Theo Thủ tướng, đây là nguyên nhân sâu xa gây lạm phát và đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chậm được khắc phục.

Thứ hai là do giá lương thực thực phẩm tăng cao, tác động lớn và trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do thu nhập bình quân đầu người và mức sống thấp nên khoản chi mua lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của đa số dân cư.

Nhóm hàng này hiện chiếm tới 42,85% cơ cấu hàng hoá tính CPI và có tốc độ tăng giá cao nhất, liên tục trong những năm gần đây. Từ năm 2004 đến nay, nhóm hàng này đã quyết định từ 50 đến 80% mức tăng giá tiêu dùng, chưa kể đến việc giá lương thực thực phẩm tăng còn là tác nhân kích giá các hàng hoá và dịch vụ khác tăng theo.

Tháng 5/2008, CPI tăng 3,91%. Nguyên nhân chính là giá lương thực tăng đến 22,19%, cao nhất từ trước đến nay, trong khi giá hầu hết các mặt hàng khác đều có mức tăng thấp hơn tháng 4/2008.

Thứ ba, kim ngạch nhập khẩu Việt Nam gần bằng 90% GDP nên sự biến động của giá thị trường thế giới tác động đến giá trong nước sâu rộng hơn. Những năm gần đây, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhiều mặt hàng có tốc độ tăng rất cao lại là những mặt hàng ta nhập khẩu với khối lượng lớn. Tình hình đó gây ra hiện tượng “nhập khẩu lạm phát”.

Mặt khác, trong khi nhiều nước trong khu vực đã điều chỉnh tăng giá nội tệ so với đồng đô la Mỹ, việc đồng Việt Nam mất giá so với đồng tiền này tuy có tạo thuận lợi cho xuất khẩu nhưng cũng làm cho tình trạng nhập khẩu lạm phát được khuyếch đại thêm.

Thứ tư, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã chủ động điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước còn trực tiếp quản lý. Đây là việc làm cần thiết, được thực hiện có lộ trình, từng bước góp phần bỏ bù lỗ, xoá bao cấp qua giá.

Mặc dù mức giá mới nói chung vẫn còn thấp so với giá thị trường thế giới nhưng mỗi lần điều chỉnh như vậy đều làm cho giá thị trường trong nước tăng lên.

thứ năm, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ liên tục điều chỉnh lương hàng năm với mức tăng tối thiểu là 20%. “Việc tăng lương là cần thiết, chúng ta đã kiên quyết làm tuy biết rằng tăng lương cũng làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên, tạo sức ép và gây tâm lý tăng giá”, Thủ tướng nói.

5 nguyên nhân trên bao gồm cả yếu tố nội sinh và sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng yếu tố tâm lý cũng tác động đến việc hình thành mặt bằng giá.

“Các yếu tố này đang diễn biến phức tạp và tác động đan xen, trong khi thời gian đến cuối năm chỉ còn 7 tháng, rất khó có đủ căn cứ vững chắc để trình Quốc hội con số cụ thể về tốc độ tăng giá”, Thủ tướng nhận định.

Theo đó, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Quốc hội chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát mới trong năm 2008 là: “Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần”, tạo cơ sở để đưa tốc độ tăng giá xuống một con số trong vài năm tới.

* Theo tính toán trên mặt bằng giá tháng 5, nếu giá lương thực chỉ tăng ở mức bằng tháng 4 là 6,11% thì chỉ số tăng giá tháng 5 sẽ là 2,08% và 5 tháng là 13,9%.