16:41 28/12/2019

Thủ tướng: Không được lùi thời gian quy hoạch báo chí

Thủy Diệu

"Nhiều tờ báo chưa hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, vẫn còn tình trạng báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sáng 28/12/2019 - Ảnh: Quang Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sáng 28/12/2019 - Ảnh: Quang Phúc.

"Thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí được ký, không được lùi thời gian. Cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sáng 28/12/2019.

Quản lý báo chí theo tinh thần "nắm người có tóc"

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 ngành thông tin và truyền thông Việt Nam đã có bước tiến bộ toàn diện, đáng mừng. Theo ông, một thành công rất quan trọng trong năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông là đã trình ký và thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí. Đây là một cuộc đấu tranh rất dài, từ nhiều nhiệm kỳ trước đã có nghị quyết Trung ương, song thực hiện quy hoạch đó không dễ.

Thủ tướng cho rằng, không thể để báo chí tản mạn như trước đây, giờ quy hoạch sắp xếp lại nhưng không mất việc làm của những người làm báo. Làm sao để quản lý tốt hơn và theo tinh thần là phải "nắm người có tóc" chứ không phải để tình trạng không ai chịu trách nhiệm.

aPhuc2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Giáo sư Đào Nguyên Cát - Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam - Ảnh: Quang Phúc.

"Chúng ta phải đưa vào nề nếp, trong đó sự thúc đẩy truyền thông thông tin của Bộ trưởng rất quan trọng để thúc đẩy việc này. Có bản lĩnh mới dám làm. Bước đầu khắc phục một cách tương đối bình yên, tốt đẹp, rất cương quyết", ông nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại kéo dài về báo chí. Báo chí có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Như nhiều tờ báo chưa hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, vẫn còn tình trạng báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin.

"Những thông tin tiêu cực đã làm suy giảm năng lực tích cực của xã hội, chưa tạo ra một khát vọng của dân tộc. Những thông tin xấu độc, tin giả gây nhiễu làm cho xã hội thiếu đi niềm tin. Đây là tồn tại cần phải tập trung loại bỏ nhằm đưa dân tộc Việt Nam tiến bước trong giai đoạn mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về quản lý báo chí truyền thông trong thời gian tới, theo Thủ tướng, báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. "Chúng ta phải quyết tâm phấn đấu trở thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045", ông nói, đồng thời cũng cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch.

Liên quan đến quản lý thông tin điện tử, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã quản lý tốt hơn các mạng xã hội nước ngoài, không chỉ theo dõi mà còn chặn lọc thông tin xấu độc, gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông đã đấu tranh rất thẳng thắn với những tập đoàn công nghệ như Google, Facebook… với thái độ cương quyết, và chúng ta cần phải làm cương quyết hơn.

Việt Nam có thể thành biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á?

Bên cạnh báo chí, truyền thông, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi viễn thông - một lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đạt mức tăng trưởng gần 19%, với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ. Công nghiệp công nghệ thông tin duy trì tăng trưởng 10%.

Hay việc triển khai thử nghiệm mạng 5G, có kế hoạch tắt sóng 2G, chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam mà tại hội nghị này, chúng ta đã công bố Vingroup, Viettel đã sản xuất được thiết bị 5G.

Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Thông tin và Truyền thông nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng chính phủ điện tử và đã làm được một số việc như vừa khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử.

"Muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm lớn lao, góp phần mang vinh quang cho Tổ quốc. Cho nên có thể nói thông tin và truyền thông được ví như mặt trận không bao giờ im tiếng súng. Do vậy, cán bộ ngành thông tin và truyền thông phải là những người luôn giữ cái đầu lạnh và một trái tim hồng", ông nói.

aPhuc3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin bên lề hội nghị tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông - Ảnh: Quang Phúc.

Năm 2020, Việt Nam tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống công nghệ thông tin của chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng.

Ông cũng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu năm, Bộ phải xây dựng chiến lược chính phủ điện tử vì chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, xuyên qua nhiều nhiệm kỳ, cần có sự xuyên suốt.

2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện, Thủ tướng quyết định ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia, trên cơ sở đó các bộ, ngành và tỉnh, thành ban hành chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông phải đi đầu về chuyển đổi số các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông.

Thủ tướng cho rằng, "Make in Vietnam" là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược Make in Vietnam.

"Chúng ta đều biết "4 con hổ" là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á. Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta. Vậy sau "4 con hổ, liệu Việt Nam có trở thành con hổ thứ 5 hay không. Câu trả lời là có thể", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.