16:52 22/10/2016

Thủ tướng tâm huyết nhưng cấp dưới trì trệ thì mục tiêu khó đạt

Nguyễn Lê

Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa chủ trương chính sách và thực tế

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt (giữa) cho rằng phải cơ cấu lại trước hết về bộ máy, về nguồn nhân lực.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt (giữa) cho rằng phải cơ cấu lại trước hết về bộ máy, về nguồn nhân lực.</span>
Thủ tướng có tài ba, tâm huyết đến mấy mà hệ thống hành chính vẫn trì trệ thì mục tiêu đặt ra khó mà thực hiện được, đại biểu Quốc hội bình luận.

Sáng 22/10 Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhận xét chung của nhiều đại biểu là Chính phủ mới đã có nhiều nỗ lực, nhưng còn có khoảng cách không nhỏ giữa chủ trương, chính sách và thực tế.

Cần tái cơ cấu bộ máy hành chính

Phát biểu đầu tiên tại tổ thảo luận số 7,  đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận xét, báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ khá sát thực tế. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng khá hơn nhiều kỳ họp trước, làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề tại báo cáo của Chính phủ.

Theo đại biểu Vân, nhiệm kỳ mới Chính phủ phải đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy, thiên tai, sự cố diễn ra dồn dập, nếu Chính phủ không bình tĩnh đối phó thì sẽ diễn biến khó lường. 

Thông điệp được người đứng đầu Chính phủ phát ra là quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển rất ấn tượng, ông Vân nói.

Tuy nhiên, ông Vân cho rằng phần hạn chế, yếu kém còn một số nội dung báo cáo của Chính phủ còn chưa đề cập, đó là  tệ tham nhũng và chất lượng cán bộ.

Thủ tướng nói cần người tài không cần người nhà nhưng gần đây nổi lên hiện tượng rất bức xúc là bổ nhiệm người nhà, người thân tràn lan.

Báo cáo của Chính phủ nêu chưa rõ trong khi đây là điểm rất quan trọng nếu không nhìn nhận nghiêm túc và coi đó nguy cơ thì không có bộ máy chất lượng, như thế  thì thông điệp của Thủ tướng khó mà thực hiện được, ông Vân nhận xét.

Nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ trong việc mở rộng đường cho kinh tế tư nhân, nhưng đại biểu Vân cho rằng cần phải "sửa" căn bệnh thâm căn cố đế đang làm ảnh hưởng tiêu cực môi trường đầu tư, đó chính là chất lượng bộ máy hành chính.

Doanh nghiệp rất khó thở khi bộ máy chính quyền và cơ quan chức năng liên tục gây khó khăn, họ chưa kịp lớn đã bị đè cổ thu những khoản không chính đáng nên chưa kịp lớn đã còi cọc. Thủ tướng cần thấu hiểu để giải toả khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất là sự phục vụ của chính quyền. 

Sau nhận xét trên, ông Vân đề nghị nên bổ sung giải pháp tái cơ cấu bộ máy, bởi Thủ tướng có tài ba đến mấy mà hệ thống hành chính vẫn trì trệ thì mục tiêu đặt ra khó mà thực hiện được.

Không nên quá kiềm lạm phát

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) nhận định những mặt được có thể thấy rõ như đời sống người dân đã được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tăng, tái cơ cấu ngân hàng cũng đạt kết quả nhất định, kết cấu hạ tầng giao thông rõ ràng có sự thay da đổi thịt…

Với kế hoạch thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng chủ trương chung còn quá nặng nề về yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở giữ chặt lạm phát. Theo Bộ trưởng không nên quá nặng nề mục tiêu kiềm chế lạm phát, dẫn đến những kìm hãm với sức phát triển kinh tế trong khi áp lực cạnh tranh từ bên ngoài rất lớn.

“Ta có nên xác định mức tăng trưởng vẫn chỉ giữ ở khoảng  6-6,5%/năm khi nền kinh tế đã đang ở mức thấp do với thế giới. Giữ mức tăng từ từ, mỗi năm một vài phần trăm như vậy sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển. Vấn đề không phải là kìm giữ giá, chỉ số lạm phát mà cần phải đẩy năng suất lao động lên”,  Bộ trưởng phát biểu.

Yếu tố đẩy năng suất lao động, theo Bộ trưởng Nội vụ phải từ việc cải thiện tiền lương. Bộ trưởng phân tích, nguồn nhân lực trong khu vực đơn vị sự nghiệp công lập hiện tại là 2,1 triệu người nhưng mới chỉ có hơn 1000 đơn vị thực hiện quyền tự chủ. Trừ đi số này ra khỏi diện nhà nước trả lương cũng mới chỉ giảm được rất ít, chưa thể tính đến cải cách tiền lương.

Tiếp lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt ( Lạng Sơn) cho rằng phải cơ cấu lại trước hết về bộ máy, về nguồn nhân lực. Nghịch lý là muốn tinh giản, thay máu hệ thống, đổi mới tư duy nhưng lại bàn hướng sửa luật để tăng tuổi lao động. Tăng tuổi nữa, theo tướng Việt, thì bộ máy sẽ vẫn còn tiếp tục đi theo chiều hướng, lối tư duy hiện tại.

Nhiều ngịch lý khác được ông Việt chỉ ra, như: “kiểm toán ở trên trời mà tham nhũng lại dưới đất, như 2 đoàn tàu, gặp nhau ở một vài ga là do công của báo chí, dư luận chứ trên thực tế, kiểm toán và tham nhũng đi trên những hệ thống khác nhau với 2 loại sổ - “sổ đen” và “sổ đỏ”. Vậy nên đến vụ Trịnh Xuân Thanh mới lòi ra mớ “sổ đen” như vậy”.