07:13 20/06/2008

Thủ tướng thăm Mỹ: “Sẽ tác động tích cực đến kinh tế”

Mạnh Chung

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói về chuyến thăm nước này sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 23 - 26/6

Đại sứ Michael Michalak tại cuộc họp báo chiều 19/6 tại Hà Nội - Ảnh: VNN.
Đại sứ Michael Michalak tại cuộc họp báo chiều 19/6 tại Hà Nội - Ảnh: VNN.
Trong buổi họp báo chiều 19/6 về nội dung chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ ngày 23 - 26/6), ông Michael W. Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói, chuyến thăm này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.

>>“Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng”

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, các nhà nhà lãnh đạo cao cấp hai nước có những chuyến thăm lẫn nhau. Nội dung cuộc gặp gỡ lần này bao gồm những vấn đề chính như: hợp tác về kinh tế, thương mại đầu tư, vấn đề ASEAN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác về giáo dục, biến đổi khí hậu, an toàn trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân, nhân quyền, tôn giáo, giao thông, cơ sở hạ tầng...

Nhiều hợp đồng lớn sẽ được ký kết


Sẽ có rất nhiều lĩnh vực được bàn thảo, nhưng đâu là những lĩnh vực mà hai bên quan tâm nhất, thưa ông?


Mỗi lĩnh vực đều có mối quan tâm và những ưu tiên riêng. Điều đó phụ thuộc vào việc Thủ tướng Việt Nam sẽ gặp gỡ những ai. Tôi nghĩ, vấn đề phát triển kinh tế thương mại có vai trò khá quan trọng trong chương trình thảo luận.

Theo tôi, cuộc gặp gỡ này sẽ đưa mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên một tầm cao mới, thể hiện ở các lĩnh vực, phạm vi hợp tác rộng hơn, phức hợp hơn và phong phú hơn.

Nhìn về mặt ngắn hạn, theo ông, chuyến thăm này sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, vốn đang có nhiều khó khăn nhất định hiện nay?


Tôi nghĩ rằng cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo lần này sẽ là cơ hội rất tốt và có ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, vì một số lý do như sau.

Ảnh hưởng tích cực đầu tiên là các hợp đồng kinh doanh mà các nhà doanh nghiệp Việt Nam ký kết trong chuyến thăm tới. Sẽ có nhiều hợp đồng làm ăn quan trọng giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ được ký kết.

Hiện có một số dự án lớn đang được hai bên thảo luận, và nếu như được ký kết nó sẽ mang đến một lượng vốn đầu tư rất lớn của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ngoài ra, là một số nội dung thảo luận nhằm cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trên thực tế hai nước đang có những quan hệ tốt, minh chứng là cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo nay mai. Điều đó cho thế giới thấy rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan hệ rất tốt đẹp trong lĩnh vực kinh tế và các mặt khác. Điều này sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung.

Năm nay là năm có nhiều khó khăn về kinh tế, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với hầu hết các nước khác trên thế giới, nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như Hoa Kỳ năm nay đều xuất được nhiều hàng sang các nước khác. Và tôi tin rằng giá trị cán cân thương mại song phương của chúng ta sẽ đạt ít nhất là 12 tỷ USD.

Củng cố môi trường đầu tư


Được biết, trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Việt Nam sẽ có cuộc gặp gỡ với ông Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Đại sứ nghĩ gì về cuộc gặp này?


Hiện nay phía Việt Nam đã có những cuộc gặp gỡ với nhiều nhà kinh tế ở khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm những lời tư vấn về việc giải quyết những vấn đề khó khăn của kinh tế Việt Nam, trong đó có vấn đề lạm phát. Tôi tin cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với ông Alan Greenspan cũng theo hướng đó.

Theo ông, chuyến thăm sắp tới có phải là dịp để nền kinh tế Việt Nam củng cố lòng tin của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam hay không?


Chắc chắn. Đó là cơ hội rất tốt để các nhà kinh tế Việt Nam trình bày về những chính sách kinh tế của mình và để cho công chúng Hoa Kỳ biết Việt Nam đang thực hiện chính sách kinh tế đó như thế nào.

Các biện pháp liên quan đến lãi suất, tiền gửi, tỷ giá hối đoái hay những quy định về các doanh nghiệp Nhà nước, đó là những vấn đề rất quan trọng để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam.

Tôi cho rằng chuyến thăm là cơ hội hoàn hảo để ngài Thủ tướng cho các nhà đầu tư thấy Việt Nam đã thực hiện được những gì trong từng lĩnh vực nói trên. Ngài Thủ tướng cũng sẽ nói chuyện với một đối tượng thính giả rất thân thiện, đó là các nhà đầu tư, bởi vì nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đang cực kỳ quan tâm đến Việt Nam.

Năm ngoái, chúng tôi đã cử một đoàn thương mại rất lớn do ngài Bộ trưởng Bộ Thuơng mại dẫn đầu, và cách đây vài hôm, một đoàn thương mại thứ hai do Thứ trưởng Bộ Thương mại Israel Hernandez đến Việt Nam.

Khi đến Việt Nam, các nhà đầu tư Hoa Kỳ không xem xét đến các vấn đề ngắn hạn mà họ quan tâm đến nhiều làm ăn dài hạn. Những khó khăn mà kinh tế Việt Nam gặp phải hiện nay cũng được coi là vấn đề ngắn hạn và họ tin rằng cuối cùng Việt Nam cũng giải quyết được vấn đề đó.

Tất nhiên, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến tình hình kinh tế hiện nay, nhưng họ tin rằng công tác quản lý kinh tế của Việt Nam hiện nay là tốt, và họ muốn chờ xem Việt Nam giải quyết vấn đề lạm phát như thế nào.

Theo ông, để đưa quan hệ đôi bên đi vào chiều sâu hơn nữa, hai nước cần làm những gì, thưa ông?


Thứ nhất, trong lĩnh vực cải cách hành chính, Việt Nam đang có những đề án cải cách hành chính lớn, dài hơi và đầy những kỳ vọng. Vì vậy, giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi.

Những nội dung khác để đưa quan hệ hai nước vào chiều sâu là tăng cường đối thoại đàm phán để tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại tại Việt Nam, hợp tác song phương trong lĩnh vực của WTO, vòng đàm phán Doha, hay các cuộc đàm phán trao đổi giữa các đoàn thương mại giữa hai nước.

Tôi biết chuyến thăm sắp tới của ngài Thủ tướng sẽ được tháp tùng bởi một đoàn doanh nhân lớn. Phái đoàn thương mại này rất quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

Một trong những dấu hiệu của việc hợp tác chiều sâu, là hai nước đã ký các thỏa thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO, hay như việc Hoa Kỳ giành cho Việt Nam quy chế quan hệ thương mại bình thương vĩnh viễn.

Tôi hy vọng năm tới, hai nước sẽ ký kết hoặc tiếp tục thảo luận về những hiệp định quan trọng nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và cải thiện hơn nữa cán cân thương mại giữa hai nước.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, theo tôi, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa những cuộc đối thoại, hợp tác song phương về nhân quyền, năng lượng, khí hậu môi trường, cơ sở hạ tầng… và đặc biệt là giáo dục, lĩnh vực mà chúng tôi rất quan tâm.