Thủ tướng trả lời về quản lý vốn ODA
Quản lý ODA đang có vấn đề gì mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hai lần đề nghị Chính phủ cung cấp số liệu nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tổng hợp xong?
Quản lý ODA đang có vấn đề gì mà Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đã hai lần đề nghị Chính phủ cung cấp số liệu nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tổng hợp xong?
Đó là chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội gửi đến Thủ tướng.
"Về nợ công, ODA tôi đã chất vấn các Bộ trưởng và đã biết số liệu về các hiệp định đã ký. Nhưng cam kết giải ngân năm nay và đến hết 2020 là bao nhiêu? năm nay và kế hoạch trung hạn còn thiếu bao nhiêu dự toán so với cam kết đã ký thì chưa rõ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chưa xong nên những băn khoăn của tôi còn nguyên vẹn", đại biểu Hàm cho biết.
Ông đề nghị Thủ tướng trả lời quản lý ODA đang có vấn đề gì mà Uỷ ban Tài chính - ngân sách đã hai lần đề nghị Chính phủ cung cấp số liệu nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tổng hợp xong. Về lý, nếu sát sao với nợ công, theo dõi, quản lý chặt chẽ, dựa vào phân kỳ giải ngân các hiệp định vay nợ để tổng hợp thì sẽ không thể lâu như thế.
Quản lý theo dõi như thế có giữ được vay ODA giai đoạn 2016 - 2020 trong mức 300 ngàn tỷ đã được Quốc hội quyết định không, có giữ được trần nợ công không?
Tại văn bản trả lời, Thủ tướng cho biết về tổng hợp số liệu ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc vơi các chủ dự án, cơ quan chủ quản, nhà tài trợ và các cơ quan liên quan. Số lượng dự án và đối tượng được khảo sát, lấy ý kiến là tương đối lớn nên mất nhiều thời gian, hiện vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chưa trả lời.
Hiện nay, Bộ đang tiến hành rà soát tổng thể nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài từ ngân sách Trung ương trog các năm 2018 - 2020 để báo cáo Thủ tướng trước khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về tác động đến trần nợ công, văn bản hồi âm đại biểu nêu rõ, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 300 nghìn tỷ vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương.
Thủ tướng cho biết, trong quá trình xây dựng kế hoạch trung hạn với nguồn vốn này có một số tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Như khoản vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã giải ngân từ 2016 về trước nhưng chưa quyết toán (14,033,795 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và sử dung một phần trong dự phòng trung hạn).
Các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới tăng nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài so với trước đây. Trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị của Tp.HCM, Hà Nội, 4 dự án đường cao tốc của VEC, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...
"Như vậy, trong trường hợp những khoản phát sinh ngoài dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua thì việc rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài là cần thiết. Trong đó cần xem xét các phương án hoãn, giãn tiến độ các dự án, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn phù hợp với giới hạn trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách trong các năm còn lại của kế hoạch trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư cũng như mối quan hệ của Việt Nam và các đối tác phát triển các nhà tài trợ", Thủ tướng hồi âm đại biểu.
Bên cạnh đó, theo trả lời của Thủ tướng, đến năm 2018 khi Việt Nam tốt nghiệp hoàn toàn ODA thì các dự án sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi cần được xem xét thận trọng, tổng mức vốn nước ngoài sẽ giảm dần do hạn mức vay vốn của các địa phương là có hạn.