10:46 07/08/2009

Thương mại Việt - Nga: Tiến tới kim ngạch 3 tỷ USD vào năm 2010

Hương Loan

Xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng mạnh về trị giá, cơ cấu và danh mục hàng hoá xuất khẩu được cải thiện

Việt Nam xuất khẩu sang Nga nhiều mặt hàng công nghiệp nhẹ tiêu dùng.
Việt Nam xuất khẩu sang Nga nhiều mặt hàng công nghiệp nhẹ tiêu dùng.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Liên bang Nga trong những năm gần đây đã có bước phát triển tích cực. Dự kiến, năm 2009 quan hệ thương mại hai nước có thể đạt con số 2 tỷ USD, phấn đấu tiến tới 3 tỷ USD vào năm 2010 và 10 tỷ  USD vào năm 2020.

Theo số liệu của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên Bang Nga đạt 1.641 triệu USD, tăng 62,4% so với năm 2007. 6 tháng đầu năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Liên Bang Nga Nga chỉ đạt 820 triệu USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Khoảng cách giao thương ngày càng thu hẹp

Theo TS. Nguyễn Chí Tâm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, quan hệ thương mại Việt - Nga vài năm gần đây đã phát triển theo hướng tích cực. Khối lượng trao đổi hàng hóa hai chiều có mức tăng trưởng cao. Xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng mạnh về trị giá, cơ cấu và danh mục hàng hoá xuất khẩu được cải thiện.

Năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 671,9 triệu USD, tăng 46,4% và xuất khẩu của Nga sang Việt Nam đạt 969,6 triệu USD, tăng 75,5% so với năm 2007.

Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga các mặt hàng công nghiệp nhẹ tiêu dùng như: dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản, thủ công mỹ nghệ... và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu, sắt thép, phân bón, hoá chất, máy, thiết bị và phụ tùng...

Cũng theo ông Tâm, cán cân thương mại giữa hai nước từng bước được cải thiện, theo hướng nghiêng về phía Nga (Việt Nam nhập siêu). Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga như sản phẩm dầu mỏ, sắt thép và phân bón (chiếm trên 80% cơ cấu nhập khẩu từ Nga) đều là những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sản xuất của Việt Nam.

Trong quan hệ đầu tư, năm 2008, Liên bang Nga đứng vị trí thứ 25 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, có 59 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 376,36 triệu USD và vốn thực hiện đạt trên 233 triệu USD tập trung vào các lĩnh vực trồng và chế biến cao su, vận tải biển, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, dầu khí.

Việt Nam có 11 dự án đầu tư vào Nga với số vốn trên 34 triệu USD, chủ yếu vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép và sản xuất đồ gỗ. 6 tháng năm 2009, Liên bang Nga có 2 dự án đầu tư mới vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 329,8 triệu USD, đứng thứ 5 trong số 35 nước có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2009.

Việt Nam và Nga đã hợp tác trong các lĩnh vực như: dầu khí, thủy điện, nhiệt điện, than - khoáng sản, khai thác các mỏ bôxít, than và các nguồn thủy điện và xây dựng tại Việt Nam một tổ hợp sản xuất, chế biến nhôm... Với những thành tựu hai nước đã đạt được, Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam tin tưởng, quan hệ kinh tế thương mại song phương đang trên đà phát triển, khoảng cách thương mại hai nước đang xích lại gần nhau hơn.

Rào cản cần được tháo gỡ

Ông Arkady Druzhinin, chuyên gia Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam nhận định, quan hệ hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp thời gian đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tầm quan trọng đối tác chiến lược.

Theo ông Nguyễn Chí Tâm, mặc dù phía Việt Nam luôn tìm kiếm cơ hội, đề xuất hợp tác, liên doanh sản xuất tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp mà Nga có thế mạnh như: chế tạo máy, thiết bị vận chuyển, thiết bị năng lượng; luyện kim; khai thác mỏ, nhưng cho tới nay hợp tác Việt - Nga về cơ bản vẫn chỉ kế thừa các dự án, những định hướng và hình thức đã có từ thời Liên Xô cũ, chưa hình thành được dự án nào mới có tầm cỡ quốc gia.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai bên tham gia quan hệ thương mại chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô năng lực nguồn vốn có hạn, còn ngại khó, dè chừng quá mức những rủi ro, chưa mạnh dạn đi sâu tìm hiểu nắm bắt thông tin, nhu cầu hợp tác, tận dung cơ hội, dũng cảm vượt qua những rào cản về tâm lý để hợp tác với nhau.

Ông Tâm cho rằng, vì Nga là thị trường mở, thông thoáng nên có rủi ro nhưng cũng dễ kiếm lời. Chính vì vậy, khi vào thị trường Nga buộc mọi đối tác phải đối đầu với cạnh tranh cả về phương diện hàng hóa cũng như đầu tư, đôi khi rất gay gắt. Mặt khác, thị trường Nga còn  thiếu linh hoạt trong cơ chế thanh toán, thiên về trả chậm khi nhập khẩu và trả trước khi xuất khẩu hàng hóa, thanh toán bằng tín dụng thư ít phổ biến.

Bên cạnh đó, Nga thường xuyên áp dụng những rào cản kỹ thuật bằng thuế quan và phi thuế quan để duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước (như đưa ra các lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với nông sản, thuỷ, hải sản và thịt đông lạnh). Những bất cập và trở ngại trong khâu thủ tục hành chính, giấy tờ, trong đó có cả thủ tục hải quan, cửa khẩu nhiều lúc gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam quan hệ với thị trường Nga.

Do khả năng hạn hẹp về tài chính, nhất là chưa năng động trong tiếp cận các dự án đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nga đã để mất nhiều cơ hội trong một số dự án mà phía Nga có thế mạnh tham gia.

Theo chuyên gia 2 nước, để có thể nâng cao hiệu quả trong hợp tác kinh tế- thương mại và đầu tư, phía Việt Nam cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để có thể nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của mình trên thị trường Nga, tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đầu tư thích hợp cho quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tập trung phát triển hợp tác có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn mà phía Liên Bang Nga có thế mạnh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy từ phía Nhà nước.

Vụ Thị trường châu Âu kiến nghị, các doanh nghiệp Nga cần đổi mới cách thức tiếp cận để hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Cục Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp Nga) cần tiếp tục tháo dỡ và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm nhập thuỷ, hải sản đối với các doanh nghiệp của Việt Nam và tăng thêm các cảng nhập khẩu mặt hàng trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhập khẩu Nga nhập khẩu thuỷ, hải sản của Việt Nam.

Để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển nguồn điện chạy than giai đoạn 2006- 2015, Việt Nam cũng đề nghị phía Nga tạo điều kiện cho EVN và Vinacomin có thể mua than theo hợp đồng dài hạn với các công ty khai thác, sản xuất than vùng Xibiri, hoặc liên doanh với doanh nghiệp Nga khai thác mỏ than tại Nga và xuất khẩu về Việt Nam. Nga tích cực tham gia vào cộng đồng các nhà tài trợ ODA cho Việt Nam, trước hết để khôi phục, cải tạo các công trình hợp tác trước đây giữa hai nước, tiến tới thực hiện các dự án hợp tác hai bên cùng quan tâm.

Nga cũng ưu tiên việc cung cấp nguyên liệu luyện kim cho Việt Nam như phôi thép, thép phế, than mỡ, than coke, các sản phẩm thép đặt biệt khác và hợp tác với Tổng công ty Thép Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy thép đặc biệt tại Việt Nam. Hợp tác đầu tư thành lập nhà máy liên doanh sản xuất máy kéo nhỏ (4 bánh, động cơ từ 24-40 HP) tại Việt Nam.