12:00 10/07/2017

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Quân đội chỉ làm kinh tế ở những lĩnh vực cần thiết”

Song Hà

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, kiên quyết không để lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi cá nhân

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Thời gian qua Quân ủy Trung ương có chủ trương tạm dừng việc chuyển đất quốc phòng sang làm kinh tế, vị trí nào cần làm thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng các mặt và phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền”.<br><br>
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Thời gian qua Quân ủy Trung ương có chủ trương tạm dừng việc chuyển đất quốc phòng sang làm kinh tế, vị trí nào cần làm thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng các mặt và phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền”.<br><br>
“Phải rõ ràng và dứt khoát rằng, quân đội chỉ làm kinh tế ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật, không có ngoại lệ. Kiên quyết không để cho một số đơn vị, cá nhân lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm những việc phi pháp, trục lợi cá nhân, không đúng với chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng”.

Đó là khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi trao đổi trước những quan điểm trái chiều về việc quân đội làm kinh tế và những vụ việc gần đây liên quan đến đất đai thuộc quân đội quản lý.

Trao đổi với báo giới, ông Vịnh nói:

- Nếu chỉ nói rằng “quân đội làm kinh tế” không thôi thì không phản ánh bản chất của việc quân đội tham gia làm kinh tế. Quân đội tham gia làm kinh tế, trước hết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải nói như vậy mới đầy đủ.

Ngay từ khi mới thành lập quân đội, Bác Hồ đã dạy rằng quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Mỗi thời kỳ có mô hình khác nhau, có mức độ khác nhau, quân đội tham gia lao động sản xuất theo điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, quân đội làm kinh tế trước hết là các xí nghiệp quốc phòng để sản xuất trực tiếp ra các sản phẩm quốc phòng, hay tôi nói là vũ khí và trang bị quốc phòng.

Thứ hai là các đoàn kinh tế quốc phòng như trồng cao su, trồng rừng, làm nông nghiệp, trồng cà phê…Nhưng nhiệm vụ chủ yếu là giúp dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đội hình vẫn giữ nguyên là các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, chỉ có không cầm súng thôi, mà cầm cuốc, cầm cày và doanh nghiệp quân đội.

Giảm từ 200 xuống còn 17 doanh nghiệp quân đội

Nhưng gần đây dư luận phản ánh có tình trạng quân đội đang lạm dụng khái niệm“quân đội làm kinh tế”?

Vừa qua Quân ủy Trung ương đã quy hoạch xong hệ thống doanh nghiệp trong quân đội. Với mấy yêu cầu sau.

Thứ nhất, doanh nghiệp quân đội phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế. Không có doanh nghiệp nào chỉ làm kinh tế đơn thuần.

Thứ hai, doanh nghiệp quân đội là phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu mà Chính phủ quy định. Thứ ba là doanh nghiệp quân đội phải làm theo đúng luật, đúng quy định, không có biệt lệ, đóng thuế rồi báo cáo… như một doanh nghiệp.

Quân đội chúng ta trước đây có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 và trong đề án mà quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại. Cái này không hề dễ dàng nhưng quân đội quyết tâm làm và phải làm nhanh.

Quân đội làm những nhiệm vụ ấy trong môi trường kinh tế thị trường, nên không thể đóng cửa, không thể tách rời việc lao động sản xuất quân sự với những đặc điểm của nền kinh tế thị trường - thế mới sinh ra doanh nghiệp quân đội, công ty quân đội.

Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, kiểm tra thường xuyên chặt chẽ, công tác cán bộ không được chú ý thì rất dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề này ở đâu cũng có, quân đội cũng phải cảnh giác, đề phòng và thực hiện tốt công tác quản lý giám sát trong lĩnh vực này. Không doanh nghiệp nào được làm những việc mà luật pháp không cho phép, ở đây không có ngoại lệ.

Vừa qua, có những ý kiến trái chiều về việc quân đội “giữ đất” trong khi đất cho phát triển kinh tế - xã hội lại thiếu, điển hình là vụ việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và câu chuyện sân golf trong sân bay?

Thời gian qua Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng nhận thấy rằng việc để tồn tại hai sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên (Hà Nội) tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều không có lợi cho quân đội. Nên ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trong hai sân golf như nhà hàng, khách sạn, khu biệt thự, căn hộ cho thuê…, chờ quyết định của cấp trên.

Khi vấn đề được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội, tập thể thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định, nếu Chính phủ lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì quân đội sẵn sàng xử lý theo hướng thu hồi và bàn giao.

Việc thu hồi, bàn giao ra sao, vào thời điểm nào phụ thuộc vào quy hoạch, triển khai của Chính phủ, nhưng dứt khoát chỉ dành cho các công trình theo quy hoạch của Chính phủ và phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, không cho bất cứ doanh nghiệp nào tiếp tục thuê đất để kinh doanh ở đây.

Không chỉ sân golf Tân Sơn Nhất, và cũng chưa phải chờ đến khi có ý kiến của cấp trên, mà trong những năm qua quân đội đã đóng góp nhiều đất đai ở những vị trí có địa lợi về kinh tế để các địa phương sử dụng.

Ngay khu vực Tân Sơn Nhất, kể từ sau giải phóng đến nay quân đội đã chuyển giao cho địa phương gần 1.000ha trong năm qua là gần 90ha để xây đường lăn, sân đỗ cho máy bay, nhà ga lưỡng dụng, hồ điều hòa, đường giao thông…

Tạm dừng chuyển đất quốc phòng làm kinh tế

Vậy việc quản lý đất quốc phòng đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng từ trước đến nay là: đất quốc phòng chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng như huấn luyện chiến đấu, xây dựng doanh trại, kho tàng, căn cứ, trận địa phòng thủ... Có một phần diện tích đất quốc phòng khi chưa sử dụng vào nhiệm vụ quốc phòng có thể được sử dụng cho mục đích kinh tế để nâng cao tiềm lực cho các đơn vị, cải thiện một phần đời sống của cán bộ, chiến sĩ.

Tuy nhiên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhận thức rằng việc này cũng cần thực hiện chừng mực, có mức độ. Chính vì vậy thời gian qua Quân ủy Trung ương có chủ trương tạm dừng việc chuyển đất quốc phòng sang làm kinh tế, vị trí nào cần làm thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng các mặt và phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Ở đây có một điều tôi nhấn mạnh, muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ.

Có thông tin Bộ Quốc phòng sẽ thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở Tp.HCM, ông có thể xác nhận?

Không có chuyện Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thanh tra toàn bộ đất đai ở Tp.HCM, vì thanh tra phải có luật và phải có lý do, kế hoạch.

Chính xác là vừa qua Bộ Quốc phòng có chỉ đạo trong toàn quân, các quân khu các binh chủng kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ quốc phòng quân sự và các nhiệm vụ khác, đặc biệt quan tâm đến việc vào hoạt động kinh tế, nếu đơn vị nào có vấn đề hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kịp thời chấn chỉnh ngay. Đây là chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương, của Bộ Quốc phòng.

Nếu kiểm tra đơn vị nào có thiếu sót, thực hiện không đúng pháp luật nhà nước, quy định quân đội thì phải khắc phục sửa chữa, đơn vị nào có vấn đề sai phạm lúc đó mới tổ chức thanh tra.

Hiện cũng đã có kết quả ban đầu về việc kiểm tra toàn bộ đất đai của các đơn vị, các quân khu, quân chủng, các đơn vị trong toàn quân ở tất cả các địa bàn.

Có thể nói cơ bản đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng quy định của nhà nước, sử dụng đúng mục đích sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sản xuất, trong đó có một phần làm kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích, quân đội đã kiểm tra và xử lý nghiêm. Như trong một nồi canh có thể có một vài con sâu, việc sử dụng đất quốc phòng có thể bị lợi dụng để trục lợi cá nhân ở nơi nào đó, đơn vị nào đó, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ có những chuyến đi thực địa để trực tiếp kiểm tra, xử lý.

Chúng tôi cũng mong rằng dư luận báo chí, nhân dân nếu thấy những nơi, những việc làm không đúng pháp luật liên quan đến các đơn vị quốc phòng thì phản ánh kịp thời, Bộ Quốc phòng sẽ kiểm tra và khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh.