Tiến độ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia quá chậm
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành...
Chiều 11/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN PHẢI ĐI LIỀN VỚI CHẤT LƯỢNG
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin, tính đến hết tháng 8/2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ rõ, là một chương trình mục tiêu quốc gia mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể nên chương trình rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai, trong khi quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau.
Do đó, ông đề xuất cần ưu tiên tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp; hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng kế hoạch.
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh băn khoăn về số vốn đã giải ngân còn khiêm tốn so với số vốn đã bố trí, trong khi yêu cầu về thời gian chỉ còn một quý trong năm 2022 phải đạt được 91% tỷ lệ giải ngân.
Theo bà Thanh, thời gian còn lại rất ngắn, đây cũng là một chương trình khó và mới với yêu cầu tích hợp và đẩy nhanh; việc thực hiện giải ngân đều rơi vào những tỉnh miền núi và dân tộc nên có khó khăn về địa bàn và tổ chức thực hiện.
Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần nỗ lực đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân, song không vì tiến độ giải ngân mà cho ứng và giải ngân không có địa chỉ, không đảm bảo các thủ tục. Tiến độ giải ngân phải đi liền với chất lượng và hiệu quả, không vì tiến độ mà giải ngân bằng được.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thừa nhận, việc giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi chậm so với các nguồn vốn khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, nguyên nhân là do thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn; việc phân cấp rất mạnh cho các địa phương; sự phối hợp chưa đồng đều…
Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Dân tộc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để kịp thời sửa đổi và có các giải pháp cụ thể để giải ngân hết các nguồn vốn này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, trước đó Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế chính sách, thông tư kinh phí sự nghiệp từ tháng 3/2022; đồng thời phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kinh phí của năm 2022 là 5.429 tỷ đồng.
HUY ĐỘNG NHIỀU NGUỒN LỰC
Cũng bày tỏ băn khoăn về việc chậm tổ chức triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, từ khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, cho đến tháng 5/2022 trước khi Quốc hội cho ý kiến thì việc ban hành các văn bản, chế độ chính sách để triển khai chương trình gần như "đứng tại chỗ".
Về cơ chế điều phối, lồng ghép thực hiện các chương trình, thực tế tại địa phương và cơ sở, thực hiện lồng ghép với các chương trình để tăng nguồn lực mà không có sự điều phối, chỉ huy chung thì khó khăn.
Cho biết đến nay 7 tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn của chương trình, 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề sự chậm trễ của những tỉnh này là nguyên nhân từ đâu, do không chấp hành chỉ đạo của Bộ, Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Ban điều phối chương trình, hay do vướng mắc về thể chế và pháp luật. Cùng với đó, chưa có địa phương nào bố trí kinh phí đối ứng theo dự kiến của Chính phủ.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định, việc triển khai Chương trình đang quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số văn bản của tiểu dự án vẫn chưa được ban hành.
Việc phân bổ vốn đầu tư tính đến tháng 6/2022 Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc bởi đây là sự nghiệp lâu dài. Do vậy, thời gian tới Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối; chính quyền địa phương vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông tạo ra phong trào xã hội, phong trào thi đua.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực tiễn của hai chương trình mục tiêu đang triển khai, nguồn lực nhà nước cũng có hạn, cần huy động từ xã hội, người dân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp…