Phê duyệt chủ trương đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp
Sáng 28/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư với 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này.
Kết quả cho thấy, 474/477 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,59% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành.
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng kết của chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Về nguyên tắc và giải pháp triển khai, chương trình sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo; hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng.
Đồng thời, quy định định mức phân bổ cụ thể ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, mục tiêu kế hoạch hằng năm. Quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, việc thực hiện một số hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Năm 2025, tổng kết việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, 476/478 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,79% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành chủ trương đầu tư chương trình này.
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của chương trình này là tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản.
Mục tiêu nữa là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho chương trình, ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã dưới 15 tiêu chí.
Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Kế hoạch 2021-2025 có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 2 chương trình trên và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội khóa XIV phê duyệt.
Quốc hội giao Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương để bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, chồng lấn giữa 3 Chương trình trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, giao cho một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 203. Các bộ, ngành có liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo.
Quốc hội cũng giao Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.