Tiền Giang kêu gọi đầu tư vào 59 dự án với quy mô gần 22.400 tỷ đồng
Danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh Tiền Giang bao gồm 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao...
Tại hội nghị giới thiệu các dự án đầu tư của tỉnh diễn ra mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chính thức tuyên bố mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại tỉnh và nhấn mạnh thêm rằng,đây là thời điểm mà chính quyền địa phương và nhà đầu tư cùng mang đến cho nhau những cơ hội hợp tác mới, cam kết mạnh mẽ để cùng nhau phát triển.
Tiền Giang là một trong 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (hay miền Tây Nam Bộ), nhưng là địa phương vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm tám địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang).
Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tiền Giang đạt 64,41 điểm, xếp hạng 33/63 địa phương trong cả nước và thứ 8 trong 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long, tăng 12 bậc so với năm 2020 và cũng là năm Tiền Giang đạt thứ hạng PCI cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội Tiền Giang có nhiều biến chuyển tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2%; xuất khẩu tăng 28,4%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5%; lượng khách du lịch tăng 78%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 70%; vốn đầu tư đăng ký mới gấp 4,76 lần so với cùng kỳ…
Năm 2022 và các năm tiếp theo, Tiền Giang tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn được tỉnh coi là nhiệm vụ trọng tâm và kiên trì thực hiện.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Tiền Giang, với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, tỉnh Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thương mại, dịch vụ và du lịch,…
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Tiền Giang đã ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư gồm 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực, như: đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao... Trong đó có 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã được trao cho các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, để tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tiền Giang sẽ sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, tổ chức lập các quy hoạch xây dựng - đô thị, sử dụng đất; thực hiện công bố, công khai ngay các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, huyện… sau khi được phê duyệt, sao cho bảo đảm người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận tài liệu quy hoạch, kế hoạch thuận lợi, dễ dàng.
Hiện tại, Tiền Giang đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước gồm các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn và các dự án của tỉnh. Đó là các dự án: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, dự án nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2… Tỉnh sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối với giao thông vùng, như đường tỉnh 864 (dài 110 km, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng); đường ven biển nối TP.HCM - Long An - Bến Tre - Trà Vinh, đường giao thông kết nối trung tâm Đồng Tháp Mười…
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương cũng như cho các nhà đầu tư, tỉnh Tiền Giang cam kết đạo tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Cụ thể sẽ tiếp tục liên kết với các viện, trường, các tỉnh trong vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
Ngày 18/10/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 2703/QĐ-UBND về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số PAR Index, PAPI và PCI của tỉnh nằm trong nhóm 30 hàng đầu của cả nước. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong nỗ lực cải thiện PAR Index, PAPI và PCI hàng năm của tỉnh.
Tỉnh Tiền Giang đang hướng mục tiêu phát triển vào 5 trụ cột chính, gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ, trái cây sạch được định vị ở phân khúc cấp cao, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch sinh thái và nghiên cứu cảng nước sâu Xoài Rạp.