Ưu tiên hàng đầu đột phá hạ tầng giao thông
Qua giai đoạn “ngủ đông” vì Covid-19, hàng loạt dự án đầu tư được UBND TP.Đà Nẵng điều chỉnh, phân bổ vốn để tập trung thi công hoàn thành trong năm 2022 cũng như giai đoạn 2022-2025 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư...
“Cần xác định hạ tầng giao thông là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã nhấn mạnh như vậy khi nói về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Vì vậy, ngay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, người đứng đầu TP. Đà Nẵng đã sớm “kích hoạt” cơ chế vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông để nhiều dự án quan trọng sớm “tăng tốc” về đích.
KÍCH HOẠT VỐN CHO HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Cụ thể, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án động lực, trọng điểm. Trong đó, riêng nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông có giá trị hơn 1.529 tỷ đồng.
Ngoài bố trí vốn thanh toán cho những dự án đã hoàn thành trong năm 2021, Đà Nẵng sẽ thực hiện đầu tư mới 30 công trình trong năm 2022 với tổng vốn hơn 532 tỷ đồng như: tuyến đường 19,5m nối từ đường quy hoạch khu dân cư Phần Lăng 2 đến đường Trường Chinh; cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; tuyến đường ven sông Cầu Đỏ - Túy Loan (đoạn km5 - km10) cùng hệ thống thoát nước - cây xanh tuyến đường Cầu Đỏ - Túy Loan; nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT 601; cải tạo nâng cấp tuyến đường Võ Duy Ninh…
Đặc biệt, mới đây, HĐND thành phố đã thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư 1.203 tỷ đồng xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Đây là dự án được xếp vào nhóm B, công trình giao thông cấp 1, với vốn đầu tư “khủng” từ ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.
Đây cũng là một hợp phần quan trọng của dự án đầu tư cảng Liên Chiểu được Đà Nẵng nỗ lực khởi động sau thời gian bị trì hoãn bởi dịch Covid-19.
Theo ông Lê Trung Chinh, mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập, thúc đẩy giao thương hàng hóa của thành phố với các vùng, khu vực khác trên cả nước cũng như trong khu vực và thế giới.
“Điều này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội riêng của Đà Nẵng mà còn với cả vùng”, Chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Thông tin thêm về dự án cảng Liên Chiểu, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đối với nhóm hạng mục gồm đê chắn sóng, nạo vét vùng biển và đường kết nối vào cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục để tiến hành đấu thầu, phấn đấu khởi công vào tháng 9/2022.
Còn đối với nhóm hạng mục gồm bến cảng, cầu cảng, khu hạ tầng logistics, Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư khảo sát thực địa trước khi xin ý kiến Trung ương về việc thu hút nhà đầu tư đối với hạng mục này.
Đối với 13 dự án, công trình có tính chuyển tiếp từ các năm trước, Đà Nẵng dự kiến bổ sung nguồn vốn lên khoảng 455 tỷ đồng như: tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; tuyến đường trục 1 Tây Bắc (đoạn từ ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung Bướu, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Nguyễn An Ninh); các tuyến đường quốc phòng địa bàn quận Liên Chiểu và Sơn Trà; tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh...
Ngoài ra, bên cạnh những dự án trọng điểm, có tính kết nối và lan tỏa mạnh, Thành phố cũng có kế hoạch đầu tư phát triển một số dự án hạ tầng giao thông nội thị hay có kế hoạch đầu tư phát triển một số dự án khác như mở rộng đường Lưu Quý Kỳ (đoạn phía nam Phan Đăng Lưu); hoàn thành cải tạo các tuyến đường An Thượng 2, An Thượng 3, Ngô Thì Sỹ - Võ Nguyên Giáp, Hoàng Kế Viêm - Võ Nguyên Giáp, Trần Bạch Đằng, Lê Quang Đạo... để phục vụ phát triển du lịch.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng cho biết cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và phù hợp quy hoạch chung của thành phố thông qua việc sắp xếp, bố trí vốn, Đà Nẵng cũng đang tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan để thúc đẩy dự án kịp tiến độ.
Chẳng hạn như việc di dời đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố (giai đoạn 1); nâng cấp nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam); hay đề xuất các bộ, ngành chức năng Trung ương ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14G, 14D…
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG LOGISTICS
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, việc tập trung bố trí vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng như Cảng Liên Chiểu hay nỗ lực tháo gỡ vướng mắc liên quan tới loạt dự án di dời đường sắt, nâng cấp nhà ga hành khách T1… nằm trong chiến lược phát triển của Đà Nẵng, đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế biển lớn nhất cả nước.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng hoạt động logistics tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện.
Đó là năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Đà Nẵng với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế; chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải; hệ thống kho bãi và dịch vụ logistics của Đà Nẵng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất, dự trữ của địa phương và vùng lân cận mà chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa quốc tế ngày một gia tăng qua khu vực Đà Nẵng…
Trước thực tế này, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gồm có: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics đường sắt Đà Nẵng, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Trong 5 trung tâm logistics trên, Trung tâm logistics Hòa Nhơn là trung tâm logistics đường bộ có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa Bắc - Nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua Đà Nẵng.
Trung tâm logistics đường sắt là trung tâm logistics phục vụ vận tải đường sắt, đặt tại khu vực Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia với đường bộ quốc gia và đường vành đai của thành phố.
Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, đặt trong hoặc gần khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường bộ.
Ngoài ra còn có các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác với tổng quy mô đến năm 2030 đạt 26ha, đến năm 2045 đạt 68ha; được bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của thành phố tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất tiêu thụ hàng hóa...
“Và để thực hiện các kế hoạch này, hiện Đà Nẵng đang tăng tốc khơi thông các nguồn lực, đồng thời nỗ lực với các bộ ngành, chủ đầu tư… xem xét cách thức tháo gỡ, vướng mắc cho dự án để đẩy nhanh tiến độ”, ông Chinh nhấn mạnh.