13:30 10/11/2012

Tiêu Yến Trinh và giấc mơ với Talentnet

Hà Nguyên - Hải Bằng

Câu chuyện về người phụ nữ đã thuyết phục thành công PwC chuyển giao bộ phận tư vấn nhân sự cho mình

Talentnet được mô tả như một môi trường làm việc thân thiện theo kiểu gia đình và điều này làm bà Trinh (người đứng giữa) đặc biệt tự hào.
Talentnet được mô tả như một môi trường làm việc thân thiện theo kiểu gia đình và điều này làm bà Trinh (người đứng giữa) đặc biệt tự hào.
Sự lựa chọn giữa việc bán đi một bộ phận có doanh thu cao hay chuyển giao cho một nhà  quản lý khác chưa bao giờ là một quyết  định dễ dàng. PwC, một trong bốn công ty kiểm toán lớn - thường gọi là Big Four - đã phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn như vậy khi quyết định về số phận của bộ phận tư vấn nhân sự (ESS).

Những năm 2006-2007, trong bối cảnh cả 3 đối thủ trong nhóm Big Four đều giảm hoạt động trong lĩnh vực này thì việc PwC muốn “thanh lý” ESS để thu lợi cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một người phụ nữ đầy nhiệt huyết đã thuyết phục thành công PwC chuyển giao ESS cho mình.

Đó là bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc của Talentnet, mà tiền thân là mảng ESS của PwC.

Chọn đúng người


Tháng 3/2007, khi ngành nhân sự đã không còn nằm trong chiến lược toàn cầu của PwC nữa thì ESS cũng đã bị lên kế hoạch “thanh lý” sau 12 năm tồn tại. Bà Trinh khi đó là quản lý cấp cao của ESS, người đã bỏ rất nhiều thời gian và nỗ lực quản lý ESS từ trong trứng nước, không đành lòng để PwC bán ESS cho đối tác khác nên đã quyết tâm thuyết phục PwC chuyển giao ESS cho mình.

Đây là một trong những thách thức khó khăn nhất với bà Trinh khi phải thuyết phục một “đại gia tài chính” như PwC hành động mà không vì mục đích lợi nhuận. Bà chỉ ra rằng PwC cũng như những công ty nước ngoài khác đều muốn mở rộng thị phần, làm đẹp hồ sơ và tăng giá trị trong cộng đồng nên bà đã làm rõ quan điểm rằng công ty mới tuy độc lập nhưng vẫn sẽ duy trì những giá trị điều hành cũ của PwC.

Tiêu Yến Trinh và giấc mơ với Talentnet 1Yến Trinh là một nguồn động lực lớn với mọi người và cả đội đều rất thích làm việc với cô ấy. Các nhóm của cô ấy đều rất trung thành, tận tụy và hầu hết các nhân viên của cô đều gắn bó làm việc với cô qua nhiều năm. Ông Ian Lydall, Chủ tịch PwC Vietnam

Khi PwC cân nhắc, họ nhận thấy rằng tuy nhiều khó khăn, nhưng bà Trinh cũng có những lợi thế nhất định.

Thứ nhất, bà được hưởng lợi từ kinh nghiệm quá khứ làm việc tại PwC khi được trực tiếp tham gia với ESS ở cương vị quản lý cấp cao. Thứ hai, bà đã nhận được những sự hỗ trợ rất có giá trị từ sếp cũ của mình, ông Ian Lydall, Chủ tịch của PwC Việt Nam.

“Tôi biết rằng Ian có lòng tin vào niềm đam mê và năng lực của tôi, cũng như của các nhân viên tại ESS; vì vậy tôi đã cố gắng không để cho lợi ích thương mại trở thành ưu tiên hàng đầu trong vụ chuyển giao”, bà Trinh nhớ lại. “Điều quan trọng là chúng tôi đồng quan điểm về sự phát triển của bộ phận tư vấn nhân sự này và về tương lai của những nhân viên cũ, vốn đã quá quen với PwC”.

Mất 3 tháng để bà Trinh thuyết phục thành công PwC Việt Nam. Nhưng khoảng thời gian 3 tháng đó có lẽ còn không dài bằng khoảng thời gian mà ông Lydall đã phải bỏ ra để thuyết phục PwC mẹ. Những nỗ lực của bà Trinh cuối cùng cũng được đền đáp khi PwC Việt Nam đồng ý giao cho bà toàn quyền kiểm soát ESS.

Không lâu sau khi PwC đồng ý chuyển giao ESS, bà Trinh đã phải trải qua một thử thách khác khi nhận được rất nhiều những lời đề xuất hấp dẫn, trong đó có một  lời mời bà làm Tổng giám đốc chi nhánh Việt Nam của một tập đoàn đa quốc gia chuyên về tư vấn, tuyển dụng nhân sự. Bà thực sự phân vân giữa ngã ba đường, nhưng cuối cùng đã quyết tâm đi con đường riêng với Talentnet - công ty tư vấn nhân sự độc lập của bà, với sự kế thừa và phát huy từ ESS.

Niềm đam mê trong lĩnh vực nhân sự đã giúp bà Trinh đưa ra quyết định của mình. “Một khi tôi đã quyết định theo đuổi ước mơ thành lập một công ty nhân sự Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế và các chương trình chăm sóc nhân viên tốt, tôi cảm thấy tự tin và đầy nhiệt huyết”, bà Trinh nói.

Theo đuổi giấc mơ


Để xây dựng một công ty mới thì cách duy nhất là phải liên tục tiến lên vì có rất nhiều công việc khó khăn và cần phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Lần đầu tiên bà Trinh cảm thấy áp lực từ cương vị chủ doanh nghiệp, khi thời gian cho công việc đã ngốn gần hết quỹ thời gian dành cho gia đình và con cái.

Mối quan ngại lớn nhất của bà là làm thế nào để xây dựng một nền văn hóa công ty bền vững, tạo niềm tin giữa các nhân viên về một tương lai tươi sáng, và cùng lúc vẫn phải luôn duy trì sự tín nhiệm và hài lòng của khách hàng.

Tiêu Yến Trinh và giấc mơ với Talentnet 2Các dịch vụ của Talentnet đều có ích đối với các công ty quốc tế cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đây là một nguồn cung chất lượng và dồi dào đối với AmCham và nhiều tổ chức quốc tế khác trong việc khai thác nguồn nhân lực Việt Nam. Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam

Sau 9 tháng miệt mài, Talentnet chính thức “chào đời” độc lập vào tháng 11/2007. Bên cạnh những dịch vụ truyền thống kế thừa từ ESS, Talentnet cũng giới thiệu thêm nhiều dịch vụ mới như thực hiện khảo sát chế độ lương bổng và phúc lợi, dịch vụ cung cấp nguồn nhân lực,… Nhiều khách hàng cũ của PwC tìm đến bà Trinh và Talentnet vì đã biết đến tên tuổi và năng lực của bà từ khi còn làm việc với ESS.

Một cơ hội lớn gõ cửa vào tháng 2/2008, khi bà Trinh biết được Mercer, một công ty tư vấn nhân sự toàn cầu đang tìm kiếm đại diện mới tại Việt Nam. Bà Trinh lập tức liên hệ với Mercer và trình bày cụ thể Talentnet có thể làm những gì nhằm giúp doanh nghiệp Mỹ này mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

“Là công ty mới thành lập, rất khó để thuyết phục Mercer chỉ định chúng tôi làm đại diện, đặc biệt là khi họ đã khá am hiểu thị trường lao động tại địa phương”, bà Trinh nhớ lại quãng thời gian đó. Quá trình tuyển lựa đầy cam go nhưng rồi Talentmet non trẻ mới bốn tháng tuổi đã trụ vững và vượt qua nhiều đối thủ khác để trở thành đại diện của Mercer. “Đó là quãng thời gian cực kì đáng nhớ”, bà Trinh nói.

Chỉ một năm sau, tổng nhân lực của Talentnet tăng gấp đôi, lên 40 người và doanh thu tăng 112%. Thế nhưng vấn đề mới lại nảy sinh. Toàn bộ nhóm làm việc với đối tác trước đây của Mercer chuyển đến Talentnet, gây ra một cuộc đụng độ trong văn hóa làm việc giữa các nhóm cũ và mới.

“Không thể có hai nền văn hóa trong một công ty, nên tôi đã cố gắng làm cho nhân viên hiểu rằng họ phải làm việc cùng nhau và cùng hướng đến những mục tiêu chung của công ty”, bà Trinh nói. Bà đã dành thời gian để hiểu hơn những thành viên trong nhóm mới và tìm cách thuyết phục họ thích nghi với văn hóa Talentnet.

Nhiệt tình, chân thành, có trách nhiệm mà không cứng nhắc là những gì để nói về bà Trinh. Không giống như những người lạnh lùng và mạnh mẽ, bà Trinh chỉ sử dụng quyền lực của mình trong những bối cảnh phù hợp.

"Tôi muốn mọi người coi tôi như một người bạn hoặc người đồng hàng mà họ có thể tin tưởng và chia sẻ các vấn đề cả trong công việc và trong cuộc sống của họ", bà Trinh nói. Phương châm của bà là hãy cho đi để nhận lại. Bà thực hiện điều này không chỉ bằng cách giúp khách hàng vượt qua khó khăn mà còn quan tâm đến nhân viên của mình một cách rất tâm lý, vì bà cho rằng cách này sẽ tạo hiệu suất làm việc tốt.

Talentnet được mô tả như một môi trường làm việc thân thiện theo kiểu gia đình và điều này làm bà Trinh đặc biệt tự hào. "Tôi rất hạnh phúc khi biết rằng nền văn hóa làm việc tại Talentnet được xem là thân thiện, như một gia đình", bà nói.

Phải có tới 95% nhân sự của Talentnet là nữ. Với không ít lãnh đạo doanh nghiệp, sự hiện diện quá nhiều của phụ nữ trong một công ty xem như là một khó khăn không “dễ thở”. Nhưng bà Trinh không cho là như vậy, mà chỉ ra rằng nhân viên nữ mang lại lợi ích nhất định cho các công ty tư vấn. Họ biết lắng nghe, thấu hiểu và chu đáo hơn, do đó những giải pháp nhân lực họ đưa ra không chỉ tỏ rõ sự quan tâm mà còn rất linh hoạt và hợp lý.

Không ai có thể nói chính xác về những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đến ngành nhân sự, nhưng có sự thật hiển nhiên là các tập đoàn đa quốc gia - khách hàng chính của các công ty nhân sự - đang chịu những tổn thất lớn.

Hiểu được điều này, Talentnet đã dần tập trung vào các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Các dự án tư vấn nhân sự đã được mở rộng cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước như PV Oil, Vinamilk và BIDV. Bất chấp vô vàn khó khăn, tháng 4/2011 đánh dấu một mốc quan trọng nữa cho Talentnet khi trở thành đối tác Việt Nam của ADP Streamline, một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp nhân sự thuê ngoài, tính lương, thuế và quản lý phúc lợi.

Tiêu Yến Trinh và giấc mơ với Talentnet 3Tôi đã làm việc với Talentnet qua rất nhiều dự  án và đã sử dụng dịch vụ của họ từ những ngày đầu tiên. Tôi hài lòng với sự chuyên nghiệp và chất lượng mà họ mang đến. Các tư vấn viên của họ được đào tạo bài bản và hướng tới khách hàng. Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch Vietnam Human Resources

Ngày 30/11 tới, Talentnet sẽ kỷ niệm 5 năm thành lập và cho đến giờ, có thể nói công ty này đang “tưởng thưởng” cho quá trình 5 năm phát triển vừa qua của mình, dù đã và đang xuất hiện những khó khăn, thách thức từ môi trường bên ngoài.

Nhưng bà Trinh có lý do để vẫn có thể tự hào, Talentnet đã phát triển từ một công ty có 20 người vào năm 2007 thành một công ty có hơn 100 nhân lực. Đáng kể nhất là Talentnet đã trở thành đối tác của hai công ty nhân sự hàng đầu thế giới là Mercer và ADP Streamline. Doanh thu tăng gấp 15 lần so với thời kì còn là ESS. Một cuộc khảo sát nội bộ của công ty này gần đây cho thấy 90% khách hàng của Talentnet sẽ tái sử dụng dịch vụ và 85% khách hàng sẽ giới thiệu dịch vụ của Talentnet đến đối tác, bạn bè.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều làm bà Trinh cảm thấy tự hào và hạnh phúc nhất là môi trường làm việc mà bà đã tạo ra cùng với đội ngũ nhân viên hết lòng vì công ty. “Từ trái tim, tôi thật sự hài lòng với những gì chúng tôi đã đạt được trong 5 năm vừa qua”, bà Trinh nói. Nhưng những năm tới đây sẽ nhiều thử thách hơn và bà nhận thức rõ ràng rằng sẽ phải có những thay đổi thích hợp. “Lối mòn sẽ dẫn đến sự nhàm chán và thiếu sáng tạo”, bà Trinh nói.

Trong 5 năm tiếp theo, tầm nhìn của bà Trinh là biến Talentnet thành một “nhà tuyển dụng hàng đầu” - một công ty với một môi trường làm việc tốt và với những chương trình chăm sóc nhân viên tốt nhất. Giá trị cốt lõi của công ty trong tương lai được đề ra là hiệu quả trong từng dự án, trong việc quản lý thời gian, sắp xếp công việc cũng như sự đổi mới, cách tân liên tục. “Chúng tôi sẽ cải thiện thói quen làm việc của mình để sao cho phù hợp với những công ty tư vấn trong khu vực”, bà Trinh kỳ vọng.