Tín hiệu đáng ngại về kinh tế Mỹ từ lợi suất trái phiếu
Thị trường trái phiếu lại đang gửi đi một tín hiệu cảnh báo đáng ngại về kinh tế Mỹ
Thị trường trái phiếu lại đang gửi đi một tín hiệu cảnh báo đáng ngại về kinh tế Mỹ. Giới đầu tư có vẻ đang lo về khả năng sớm xảy ra một cuộc suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, trang CNN Business cho hay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm về 2,22%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Lợi suất giảm xuống do giá trái phiếu tăng, khi giới đầu tư tăng cường mua trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng.
"Giá trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng lên do nhu cầu tài sản an toàn tăng, kéo lợi suất xuống thấp, vì nhà đầu tư lo lắng trước việc đàm phán thương mại Mỹ-Trung ngưng trệ. Tâm lý trên thị trường đang ngày càng xấu đi vì căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc chưa hề có dấu hiệu dịu bớt", ông Jasper Lawler, trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc London Capital Group, nhận định trong một báo cáo.
Lợi suất tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng hiện đang cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, dao động quanh ngưỡng khoảng 2,35%. Và đây chính là điểm đáng lo. Khi lợi suất của trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất của trái phiếu dài hạn, thì tình trạng đảo ngược đường cong lợi suất xảy ra.
Mà sự đảo ngược này thường xuất hiện trước khi nền kinh tế bước vào một cuộc suy thoái.
"Khi đường cong lãi suất đảo ngược, thì đó không phải là lúc nên vay tiền để đi nghỉ, mà là lúc phải tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho lúc khó khăn", giáo sư tài chính Campbell Harvey thuộc Đại học Duke nhận xét.
Năm nay, đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ từng có một đợt đảo ngược vào tháng 3. Nhưng trước đó, đường cong này chưa hề có lần đảo ngược nào kể từ năm 2007. Sau lần đảo ngược đường cong lợi suất vào năm 2007, kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, giới đầu tư chưa cần lo về một cuộc suy thoái sâu của kinh tế Mỹ.
Một lý do để lạc quan là người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu. Các hãng bán lẻ lớn của nước này như Amazon, Walmart hay Target đều vẫn đang kinh doanh tốt, bất chấp nhiều mặt hàng tăng giá do thuế quan. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ nhìn chung còn đang ở mức cao.
Thứ hai, khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận thương mại, tuy giảm xuống nhưng vẫn còn. Và thứ ba, khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) có một đợt giảm lãi suất trong năm nay đang tăng lên.
Mặc dù vậy, lợi suất trái phiếu không chỉ giảm ở Mỹ mà đang giảm trên phạm vi toàn cầu, cho thấy giới đầu tư đang lo rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ có ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức, Thụy Sỹ và Nhật Bản đều đang ở ngưỡng âm, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp, Tây Ban Nha và Anh cùng kỳ hạn đều đang dưới 1%.
Dấu hiệu của sự suy yếu đặc biệt rõ nét ở châu Âu, bởi Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác thương mại lớn của cả Mỹ và Trung Quốc.
Một lý do khác để lo ngại là đồng USD đang tăng giá. Đây là một vấn đề không chỉ của Mỹ mà của kinh tế toàn cầu, bởi USD tăng giá khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ khó cạnh tranh, đồng thời có thể gây ra tình trạng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Trừ phi lợi suất trái phiếu tăng trở lại và đồng USD xuống giá, giới đầu tư có thể tiếp tục lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.
"Để thị trường chứng khoán tăng điểm, lợi suất trái phiếu cần tăng lên nhờ kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ tốt hơn, và đồng USD cần giảm giá nhờ triển vọng kinh tế tốt lên ở khu vực châu Âu", ông Tom Essaye, biên tập viên trang tin thị trường The Sevens Report, nói với CNN Business.