Tính pháp lý của condotel sắp được "giải cứu"?
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đất để xây dựng dự án condotel có chức năng để ở thì cần xác định là đất ở, được cấp sổ đỏ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013, trong đó có nhiều nội dung làm rõ tính pháp lý cho loại hình bất động sản căn hộ khách sạn condotel và officetel.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, một số địa phương, nhất là các địa phương ven biển đang cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án khu du lịch để nghỉ dưỡng có công trình căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự nghỉ dưỡng (resort).
Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM và một số địa phương khác đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2015 đến nay thì có khoảng 25.639 căn hộ condotel và officetel và sẽ tiếp tục phát triển. Dự kiến trong giai từ năm 2017 - 2019 mỗi năm có thêm khoảng từ 27.000 - 29.000 căn hộ condotel.
Việc phát triển các căn hộ condotel và văn phòng officetel đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và nhu cầu văn phòng để ở của các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do đây là loại hình bất động sản mới, Luật Đất đai chưa quy định cụ thể mà mới chỉ xác đinh đất sử dụng cho du lịch là loại hình của đất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai mà chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất cho loại hình này.
Với mục tiêu giải quyết vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư nhằm mục đích phát triển du lịch kết hợp với kinh doanh bất động sản, Bộ đề xuất 2 phương án.
Trong đó, phương án 1, có chức năng để ở thì xác định là đất ở; thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50 - 70 năm theo quy định; chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.
Phương án 2 là vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai xác định là loại đất thương mại dịch vụ. Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50 - 70 năm theo quy định; chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với phương án 1 sẽ có tác động tích cực là giải quyết được các vấn đề đang phát sinh thực tiễn.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là việc quy định chế độ sử dụng đất hỗn hợp condotel và officetel sẽ phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình tiêu chuẩn các căn hộ để sử dụng vào mục đích để ở hoặc để kinh doanh làm văn phòng làm việc.
Đối với phương án 2, sẽ đảm bảo được việc sử dụng đất đúng mục đích là đất thương mại dịch vụ dùng để kinh doanh và không làm phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình căn hộ để ở và văn phòng để làm việc.
Song nếu chọn phương án này sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của xã hội dẫn đến khó thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư.
Trên cơ sở xem xét, cân nhắc kỹ tác động của các giải pháp trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và tiêu cực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chọn phương án 1.