Toà đang xét xử, đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm có phù hợp?
Tranh luận nảy lửa về phát ngôn của đại biểu xung quanh phiên toà xử vụ 9 người chết sau chạy thận
Vị này nói phát ngôn khi toà đang xử là chưa thích hợp, vị khác nói đó là quyền đại biểu chứ không phải định hướng cho toà, phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp sáng 26/5 của Quốc hội ghi nhận tranh luận thẳng thắn về xét xử vụ 9 người chết sau chạy thận tại Hoà Bình.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội nói ông rất băn khoăn, bởi nếu kết tội bác sĩ Hoàng Công Lương theo cách như vậy rất ảnh hưởng đến ngành y tế.
"Tôi đề nghị Bộ trưởng Y tế nên nói thêm vấn đề này", ông Lợi nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng, sự quan tâm của đại biểu Quốc hội với vụ án của bác sỹ Hoàng Công Lương là cần thiết. Tuy nhiên, việc phát ngôn, nhận định vụ án là có oan sai, bình luận về việc bị cáo "có tội" hay không "có tội" thời điểm này, theo đại biểu, là rất cảm tính tính và không có lợi vì toà án đang xét xử và chưa đưa ra phán quyết nào.
Định hướng dư luân, tạo sức ép không đúng đắn cho việc giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật là việc không phù hợp. Nếu đại biểu thấy có cơ sở và căn cứ giúp các cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có cơ chế để việc tham gia ý kiến một cách chính danh, xác đáng, theo đại biểu Sinh.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội lên tiếng, với cương vị một bác sỹ, một người trong ngành y, ông cũng như nhiều đại biểu trong ngành rất quan tâm đến vụ án, đòi hỏi sự minh bạch, khách quan, công tâm, minh bạch trong phiên toà.
"Không thể quy tội cho một người là thiếu trách nhiệm khi họ thực hiện theo một quy trình không có, hay nói đúng hơn mới có từ tháng 4/2018 vừa qua. Không thể quy tội cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và kỹ năng họ không được đào tạo, được giao là chuẩn hoá nguồn ước trong quy trình chạy thận nhân tạo", ông Tuấn bày tỏ quan điểm, cần có tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ cho công lý, cho các thầy thuốc đang ngày đêm cứu chữa ngày bệnh cho dù chính bản thân họ cũng chưa được bảo vệ xứng đáng.
Cũng tranh luận với đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp.HCM) khẳng định, việc phát ngôn của đại biểu là trên cơ sở quyền của người đại diện của nhân dân và các mỗi đại biểu chịu trách nhiệm với phát ngôn như vậy của mình.
Bà Lan nhấn mạnh, các phát biểu không mang tính chất định hướng cho toà mà toà thì cũng là con người, có thể có sai lầm mà nếu không có những phân tích, những can gián thì có thể dẫn tới quyết định sai.
Đại biểu Lan đặt vấn đề, nếu không có dư luận thì vụ án VN Pharma có được xem xét với đúng bản chất của nó?
"Mong làm sao đánh giá đúng người, đúng tội. Ngành y tế, sở y tế và các cấp có tiếng nói bảo vệ lẽ phải, sự thật và bảo vệ cho nhân viên của mình nếu người đó làm đúng" , bà Lan kết thúc phần tranh luận.