Tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng gần 68%
Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tăng 67,85%), gây rối trật tự công cộng (tăng 80,75%)...
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát dân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023.
MỘT SỐ LOẠI TỘI PHẠM TĂNG MẠNH
Đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, bà Nga nhận xét, năm 2023, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm.
Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Chủ động tham gia tích cực cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan đề ra và thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước như: đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; chủ động phát hiện và hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân góp phần hạn chế phát sinh tội phạm; chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục sơ hở, bất cập...
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Nhấn mạnh một số nội dung, bà Nga cho rằng mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết, và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.
Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,4%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%...
Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực, bà Nga nói.
Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng, thứ nhất, số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen.
Thứ hai, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở. Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ. Đáng lưu ý là các hành vi vi phạm nói trên đã kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi nhưng chưa được kịp thời phát hiện, xử lý.
Thứ ba, xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận.
Thứ tư, tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ, nhưng số người bị thương lại gia tăng; vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng. Số vụ cháy, số người chết, số người bị thương do cháy tăng mạnh, trong đó, đã xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương.
ĐIỀU TRA, XỬ LÝ TỘI PHẠM TIẾP TỤC CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Tuy nhiên, theo bà Nga, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Số vụ phạm tội về ma túy phát hiện tăng 17,68%, số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt nhiều (1.161,10%). Điều này cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy.
Kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Số vụ phạm tội về ma túy phát hiện tăng 17,68%, số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt nhiều (1.161,10%). Điều này cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, nhiều vụ mua bán người ở trong nước diễn ra rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn như ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2022 (xảy ra 1.853 vụ tăng 41,88%). Các vụ việc xâm hại trẻ em mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo, xử lý của Quốc hội và các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ gây bức xúc dư luận, bà Nga nêu.
Về công tác điều tra, xử lý tội phạm, theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023 công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, nhiều nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 85,58% chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm. Vẫn còn xảy ra 15 trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội. Số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ tuy đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều.
Với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án, về xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2023, mặc dù số lượng vụ án đã được thụ lý tăng so với năm 2022. Các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Các Tòa án đã xét xử, giải quyết đạt 98%, vượt 10% so với yêu cầu của Quốc hội. Về cơ bản, các hình phạt được Tòa án áp dụng bảo đảm nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Tỷ lệ bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Nhìn chung, công tác xét xử các vụ án hình sự năm 2023 đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, còn một số trường hợp áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát.
Bà Nga cũng cho biết công tác xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự tiếp tục được các Tòa án chú trọng và cơ bản đáp ứng yêu cầu. Năm 2023, số vụ việc dân sự được Tòa án thụ lý tăng so với năm trước (tăng 24.426 vụ). Tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 87,04%, vượt 9,04% so với yêu cầu của Quốc hội. Số bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành ngày càng giảm. Tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đáp ứng yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, một số bản án, quyết định bị hủy, sửa do thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện.
Ngoài ra, mặc dù các vụ án hành chính được thụ lý tăng (416 vụ), song tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 75,07%, vượt 15,07% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Tòa án Nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo các Tòa án thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp qua giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, qua đó khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử, giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, bà Nga nêu.