06:51 10/09/2011

Tổng giám đốc MB: “Giảm lãi suất cũng có lợi cho ngân hàng”

Minh Đức

Giảm lãi suất cho vay không chỉ có lợi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho chính các ngân hàng thương mại

"Nếu các ngân hàng thương mại cứ để lãi suất quá cao thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay với chi phí cao sẽ gặp khó khăn, từ đó trả nợ ngân hàng khó khăn và dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng lên, tác động trở lại vấn đề an toàn của các ngân hàng thương mại"  - Ảnh: Anh Minh.
"Nếu các ngân hàng thương mại cứ để lãi suất quá cao thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay với chi phí cao sẽ gặp khó khăn, từ đó trả nợ ngân hàng khó khăn và dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng lên, tác động trở lại vấn đề an toàn của các ngân hàng thương mại" - Ảnh: Anh Minh.
Theo ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), thực hiện giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ có lợi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho chính các ngân hàng thương mại.

Từ trung tuần tháng 8, MB đã bắt đầu thực hiện giảm lãi suất cho vay VND đối với khu vực sản xuất. Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Công cho biết, để giảm lãi suất là khó khi biên lợi nhuận bị ảnh hưởng, nhưng đổi lại chính ngân hàng cũng có lợi.

Thưa ông, tại cuộc họp giữa 12 ngân hàng thương mại lớn với Ngân hàng Nhà nước mà MB có tham dự, cũng như tại hội nghị ngành ngày 7/9 vừa qua, MB đón nhận định hướng giảm lãi suất cho vay như thế nào?

Ngày 26/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã mời lãnh đạo 12 ngân hàng lớn họp và bàn về những giải pháp hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm. Tại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương các ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện nội dung Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc.

Định hướng chung về tín dụng là tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng năm nay dưới 20%, tín dụng phi sản xuất đến 31/12/2011 không vượt quá 16%. Thứ hai là trần lãi suất huy động tiếp tục được thực hiện và giữ nguyên, với VND là 14%/năm, với USD tiền gửi cá nhân là 2%/năm.

Qua báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 8 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 11,7%, GDP đạt khoảng 5,6%, chất lượng sử dụng vốn trong nền kinh tế theo đó đã cải thiện tốt. Như Thống đốc nói là hiện nay tăng trưởng 1% GDP chỉ cần 1,2 - 1,3% tăng trưởng tín dụng thôi; những năm trước cao hơn với khoảng 1,6 - 1,7%, thậm chí cao như năm ngoái với tăng trưởng tín dụng gần 38% mà GDP tăng 6,5%.

Và định hướng chủ yếu là tiếp tục kiềm chế lạm phát, thông điệp mới của Ngân hàng Nhà nước là vẫn tập trung cho yêu cầu này. Vấn đề là họp để bàn những giải pháp cuối năm.

Về lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện cho được trần lãi suất huy động, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn ngành. Vừa qua đâu đó cũng đã có những nảy sinh nhưng nay chỉ đạo đưa ra là phải thực hiện nghiêm túc.

Còn lãi suất cho vay, trên cơ sở thực hiện tốt trần lãi suất huy động, hệ thống ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay cho lĩnh vực sản xuất xuống 17 - 19%, còn phi sản xuất vẫn thực hiện thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.

Tức là lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất vẫn khó giảm, thưa ông?

Lãi suất cho vay lĩnh vực này tùy theo từng trường hợp, tùy theo rủi ro của thị trường. Phi sản xuất ở đây theo Ngân hàng Nhà nước là gồm 3 phần: tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục hạn chế tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, tập trung hạ lãi suất cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Cho vay lĩnh vực phi sản xuất có nhiều rủi ro hơn, ngân hàng cần quản trị rủi ro tốt, và có lãi suất cho vay cao hơn để phù hợp với mức độ rủi ro.

Theo ông, các điều kiện để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất xuống 17 - 19% đã đủ chưa, đã thuận lợi chưa?

Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 13 và Thông tư 19 ban hành năm 2010 quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng, theo đó sẽ khơi thông dòng vốn trong hoạt động ngân hàng. Chúng tôi và các ngân hàng thương mại nói chung khi thực hiện sẽ có khó khăn là việc biên lợi nhuận bị thu hẹp lại. Tuy nhiên tại MB từ trung tuần tháng 8 cũng đã bắt đầu giảm lãi suất cho lĩnh vực này xuống 17 - 19%/năm. Thực tế hiện nay là các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất rồi.

Nếu các ngân hàng thương mại cứ để lãi suất quá cao thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay với chi phí cao sẽ gặp khó khăn, từ đó trả nợ ngân hàng khó khăn và dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng lên, tác động trở lại vấn đề an toàn của các ngân hàng thương mại.

Còn khi giảm lãi suất, một mặt là có lợi cho nền kinh tế phát triển ổn định, có lợi cho các doanh nghiệp và chính các ngân hàng cũng có lợi, nhất là khi đặt trong yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống.

Ông có thể cho biết các điều kiện cụ thể hơn để giảm được lãi suất như vậy, như tại MB?

Như tại MB thì hiện chúng tôi đảm bảo được các điều kiện về thanh khoản, các chỉ số an toàn hoạt động ở mức cao, cũng như sự cân đối tốt giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn, hay tỷ lệ cho vay trên tổng huy động của chúng tôi hiện chỉ dưới 70%.

Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chúng tôi cũng kiểm soát chặt, 8 tháng đầu năm đạt 13%, chất lượng tín dụng ở mức cao. Theo chỉ tiêu chung thì chúng tôi còn khoảng 7% cho 4 tháng nữa thôi nên sẽ phấn đấu để đạt kết quả cả năm dưới 20%.

Cái chính là khi lãi suất giảm sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần đảm bảo chất lượng quản lý tín dụng tốt, cân đối hợp lý thu nhập - chi phí và tuân thủ các giới hạn an toàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Để hỗ trợ giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một số điều chỉnh kỹ thuật, khơi thông các nguồn vốn, trong đó có việc điều chỉnh quy định tại Thông tư số 13 về tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động. Ông đánh giá thế nào về tác động của điều chỉnh này đối với hoạt động các ngân hàng?

Thứ nhất, để thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chính sách mới. Ở đây cụ thể là Thông tư 22 sửa đổi Thông tư 13 và Thông tư 19 để tạo thông thoáng hơn cho dòng vốn luân chuyển trong ngân hàng và giữa các ngân hàng với nhau, qua đó tạo điều kiện để có thể sử dụng tối đa nguồn vốn, đáp ứng định hướng tăng tín dụng và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng điều tiết nguồn vốn để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thông qua các công cụ, các kênh của mình như thị trường mở với một lãi suất hợp lý, để các ngân hàng thương mại tận dụng những nguồn vốn này.

Ở đây là sự điều chuyển vốn từ chỗ thừa sang chỗ thiếu cho dòng vốn vận động một cách hiệu quả hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tính sử dụng những công cụ mới để điều chuyển hợp lý. Ví dụ như các ngân hàng có tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước vượt tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì nên có chính sách lãi suất cao hơn để khuyến khích những ngân hàng đó gửi vào Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở nguồn tiền quay trở về như thế thì sẽ điều tiết lại, cho vay lại với những ngân hàng thiếu vốn một mặt vừa góp phần đảm bảo thanh khoản hệ thống, vừa góp phần giữ định hướng giảm lãi suất bền vững hơn.

Hiện nay có những ngân hàng điều kiện tăng trưởng tín dụng tốt nhưng lại thiếu vốn, ngược lại có những thành viên đã gần hết “room” lại thừa vốn. Lãi suất cho phần vốn vượt trên tỷ lệ dự trữ bắt buộc đó là khuyến khích để họ đưa vốn về Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước là người can thiệp cuối cùng, điều tiết cho hợp lý thay vì họ gửi ở ngân hàng nọ, ngân hàng kia, tham gia các kênh khác. Nếu làm được điều này, theo tôi Ngân hàng Nhà nước sẽ phát huy tốt hơn chức năng điều tiết vốn của mình, tránh những ách tắc dẫn đến những thời điểm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất cao.

Lúc nay sự quan tâm của thị trường là giảm lãi suất, nhưng từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước chủ trương dùng lãi suất là công cụ chủ yếu chống lạm phát, nay giảm xuống thì liệu có mâu thuẫn không, thưa ông?

Tôi nghĩ ngành ngân hàng với chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng, phối hợp đồng bộ cùng với các giải pháp khác của nền kinh tế để kiềm chế lạm phát. Định hướng Nghị quyết 11 của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách, điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung ở định hướng này, góp phần kiềm chế lạm phát, và nếu không đạt được điều đó thì những chính sách mới, điều chỉnh mới là không phù hợp.

Việc hạ lãi suất tín dụng đang được gắn liền với giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ khác nên vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính Phủ.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hạ lãi suất và có chính sách điều tiết vốn linh hoạt luân chuyển cho hợp lý, chứ không vì phải giảm lãi suất mà tăng mạnh cung tiền lên. Tổng phương tiện thanh toán đã được tính toán và Ngân hàng Nhà nước xác định năm nay ở khoảng 15 - 16%.

Một yếu tố để hỗ trợ giảm lãi suất là chi phí đầu vào. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ thị thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động. Ông đánh giá thế nào về cơ chế trần đó và mức 14%/năm đối với huy động VND?

Theo tôi việc áp trần 14%/năm đó vẫn đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Lạm phát từ đầu năm đến nay đã ở khoảng 13% - 14%, nhưng ở đây 14%/năm là tính cho tương lai, cho năm tới. Năm tới Chính phủ định hướng là kiềm chế lạm phát ở mức một con số. Điều này rất là khó nhưng chúng tôi dự tính là ở khoảng 12%. Như vậy trần lãi suất huy động VND là phù hợp ở thời điểm này

Với yêu cầu giảm lãi suất cho vay đặt ra hiện nay, theo ông tính bền vững của nó có chịu áp lực vào cuối năm khi mà lạm phát, yêu cầu thanh khoản hệ thống ngân hàng thường tăng cao?

Tôi nghĩ với những giải pháp đồng bộ cả ở chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là sau khi đã phân tích kỹ lưỡng diễn biến sau 8 tháng đầu năm thì mức lãi suất đó có thể duy trì được.