07:43 06/03/2013

Tổng thống Venezuela qua đời ở tuổi 58

An Huy

Thông tin về cái chết của ông Chavez đã được Phó tổng thống Venezuela, ông Nicolás Maduro, công bố trên kênh truyền hình quốc gia

Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez, trong một lễ diễu binh tại Caracas vào ngày 4/2/2012 - Ảnh: Juan Barreto/AFP/Getty Images.
Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez, trong một lễ diễu binh tại Caracas vào ngày 4/2/2012 - Ảnh: Juan Barreto/AFP/Getty Images.
Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez, đã qua đời ở tuổi 58. Quốc gia Nam Mỹ được cho là có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới này bắt đầu bước vào một tương lai khó đoán sau 14 năm nằm dưới sự lãnh đạo của ông Chavez, người đã sử dụng nguồn tiền dầu lửa để thực thi các chương trình phúc lợi cho người nghèo và mạnh tay quốc hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh.

Báo Wall Street Journal cho biết, thông tin về cái chết của ông Chavez đã được Phó tổng thống Venezuela, ông Nicolás Maduro, công bố trên kênh truyền hình quốc gia của nước này vào ngày hôm qua (5/3).

Theo thông báo nói trên, ông Chavez qua đời lúc 4h25 ngày 5/3 tại một bệnh viện quân sự ở thủ đô Caracas. Vào ngày 10/12/2012, ông Chavez đã tới Cuba để trải qua ca phẫu thuật ung thư lần thứ tư trong vòng 18 tháng, đánh dấu lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng. 2 tháng trước đó, ông đã tái đắc cử chức Tổng thống.

Ông Chavez đã không thể trở về Caracas để tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức mở màn cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba kéo dài 6 năm của ông vào ngày 10/1. Cho tới tận ngày 18/2, ông mới trở về nước và nằm trong bệnh viện quân sự ở Caracas cho tới khi qua đời.

Năm 2011, ông Chavez công bố thông tin ông mắc bệnh ung thư, nhưng chưa bao giờ cho biết ông bị loại ung thư nào. Tuy nhiên, báo giới Venezuela cho rằng, ông Chavez có thể mắc chứng ung thư mô liên kết.

Trong một bài phát biểu toàn quốc vào ngày 8/12 năm ngoái, ông Chavez nói rằng, ông phải chịu đựng nhiều cơn đau và được các bác sỹ tư vấn phải phẫu thuật ngay lập tức. Trước khi quay sang Cuba trị bệnh, ông kêu gọi người dân ủng hộ “phó tướng” Maduro, người xuất thân là một lái xe bus và lãnh đạo công đoàn, hiện đã kiêm nhiệm vai trò Ngoại trưởng Venezuela được 7 năm. Ông Chavez muốn người dân Venezuela chọn ông Maduro là người kế nhiệm ông trong trường hợp xấu nhất.

Theo quy định trong hiến pháp của Venezuela, một cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức ở nước này trong vòng 30 ngày nữa. Với tỷ lệ ủng hộ chiếm ưu thế sát nút, ông Maduro có khả năng sẽ giành thắng lợi. Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Henrique Capriles, đã thất bại trước ông Chavez trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm ngoái.

Theo giới quan sát, việc ông Maduro trở thành Tổng thống Venezuela có thể sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao giữa quốc gia nhiều dầu lửa nhất Nam Mỹ này với các quốc gia có quan điểm chống Mỹ như Iran.

Báo Wall Street Journal bình luận, sự ra đi của ông Chavez làm thay đổi bức tranh chính trị không chỉ ở Venezuela mà còn ở Mỹ Latin, nơi ông dẫn đầu một liên minh các chính phủ cánh tả từ Bolivia cho tới Nicaragua nhằm phản đối những lợi ích của Mỹ trong khu vực. Đối tượng thiệt hại nhiều nhất có thể sẽ là Cuba, quốc gia phụ thuộc vào nguồn dầu lửa trị giá 5 tỷ USD gần như được Venezuela cung cấp miễn phí hàng năm.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống vào năm 1999, ông Chavez đã làm bộ mặt đất nước thay đổi. Ông đã sử dụng nguồn tiền thu về từ xuất khẩu dầu lửa để thực thi các chương trình chi tiêu công như chăm sóc y tế cho người nghèo. Nhận được sự ủng hộ của dân chúng, ông Chavez đã giành quyền kiểm soát hầu hết các doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức ở nước này, từ hãng dầu lửa quốc doanh Petróleos de Venezuela SA cho tới hệ thống tòa án.

Theo giới phân tích, cho dù ai sẽ trở thành Tổng thống Venezuela tiếp theo, thì ảnh hưởng của ông Chavez vẫn sẽ còn lớn trên chính trường và xã hội nước này trong nhiều năm tới.

Tổng thống tiếp theo của Venezuela sẽ kế thừa từ ông Chavez một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong thập kỷ qua nhờ giá dầu cao và hoạt động chi tiêu mạnh tay của Chính phủ. Tuy nhiên, nền kinh tế Venezuela cũng đang đối mặt với nhiều thách thức có thể gây ra các vấn đề trong những năm tháng tới đây.

Mới đây, Venezuela đã phải phá giá đồng nội tệ Bolivar nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, động thái này làm gia tăng áp lực lạm phát khi mà tốc độ lạm phát của Venezuela hiện đã ở mức khoảng 20%.

Cơ sở công nghiệp của Venezuela hiện đang trong tình trạng yếu kém do chính sách quốc hữu hóa dưới thời Chavez, khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu lửa. Nợ nước ngoài của Venezuela cũng đang ngày càng tăng, hiện đã lên mức khoảng 90 tỷ USD.