Toyota tăng lương mạnh nhất 20 năm cho nhân viên ở Nhật Bản
Động thái này của hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản mang lại một cú huých cho chiến dịch của Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi doanh nghiệp tăng lương để giúp người lao động trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ...
68.000 công nhân viên có công đoàn của Toyota tại Nhật Bản vừa được hưởng mức tăng lương mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Động thái này của hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản mang lại một cú huých cho chiến dịch của Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi doanh nghiệp tăng lương để giúp người lao động trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Việc Toyota - “cánh chim đầu đàn” của nền sản xuất công nghiệp tại đất nước mặt trời mọc - tăng lương được kỳ vọng sẽ đặt ra áp lực để các công ty khác đi đến quyết định tương tự. Đây sẽ là chuyển biến lớn ở một quốc gia mà tiền lương gần như đi ngang trong suốt 30 năm qua.
Sau động thái của Toyota, Honda cũng chấp nhận yêu cầu của công đoàn về tăng lương khoảng 5%, bao gồm cả lương cơ bản và lương theo thâm niên.
Các hãng xe trên tăng lương cho người lao động sau khi Fast Retailing - công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo, công ty game Nintendo, và hãng đồ uống Suntory đồng loạt tuyên bố tăng lương cho nhân viên.
Áp lực từ Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức công đoàn nước này yêu cầu doanh nghiệp nâng lương đã tăng đặc biệt mạnh trong năm nay, khi giá sinh hoạt ở nước này tăng nhanh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Lạm phát lõi ở Nhật chạm mốc 4% vào tháng 12 năm ngoái, mức cao nhất trong 41 năm.
Ngày 22/2, Toyota tuyên bố đã chấp nhận hoàn toàn đề xuất của công đoàn về tăng lương cơ bản và lương thâm niên, nhưng không công bố mức tăng cụ thể là bao nhiêu. Toyota và công đoàn đã đạt thoả thuận ngay trong ngày đầu tiên của lần đàm phán này, trong khi các cuộc đàm phán như vậy thường kéo dài trong nhiều tuần. Hãng nói rằng quyết định được đưa ra sẽ tạo đà cho việc tăng lương trong toàn ngành.
Honda cho biết thoả thuận tăng lương của hãng cũng đạt được một cách nhanh chóng chưa từng thấy.
“Chúng tôi đang đi đầu trong việc khuyến khích phân phối thu nhập trong toàn bộ ngành công nghiệp ô tô, và mỗi người trong chúng ta đều cố gắng vì điều đó”, ông Koji Sato, người sẽ tiếp quản vị trí CEO của Toyota vào tháng 4 năm nay, phát biểu.
“Chúng tôi quyết tâm làm phần việc của mình trong vấn đề tăng lương để đưa ngành công nghiệp của chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn”, ông Takanori Azuma - người sẽ đảm nhiệm cương vị Giám đốc nguồn nhân lực của Toyota từ tháng 4 tới - nói tại một cuộc họp báo.
Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi sát sau vòng đàm phán mùa xuân về tiền lương tại các công ty lớn nhất Nhật Bản. Kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ ảnh hưởng tới việc liệu khi nào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ bắt đầu dịch chuyển chính sách tiền tệ theo hướng bình thường hoá lãi suất.
Trong suốt nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, với một lý do là sự thiếu vắng một vòng tròn tăng lương, tăng tiêu dùng, và tăng giá cả.
Công ty chứng khoán Morgan Stanley MUFG Securities dự báo tiền lương cơ bản ở Nhật sẽ tăng bình quân khoảng 1,2% sau các cuộc đàm phán đợt này tại các doanh nghiệp, không bao gồm khoản tăng hàng năm theo thâm niên của người lao động.
Nếu vậy, đây sẽ là đợt tăng lương lớn nhất ở Nhật Bản kể từ cuối thập niên 1990, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 3% mà BOJ cho là cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững. Mức tăng như vậy cũng thấp hơn so với yêu cầu tăng lương cơ bản hàng năm 3% của Tổng liên đoàn Lao động Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ý nghi ngờ về việc liệu đà tăng lương của năm nay có tiếp tục trong năm tới hay không. Đợt đàm phán tăng lương hiện nay ở Nhật Bản chỉ diễn ra ở những công ty lớn nhất nước này. Tăng lương là một việc khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản, đối tượng sử dụng hơn 70% lực lượng lao động ở nước này và đang phải đối mặt với giá năng lượng và nguyên vật liệu thô tăng cao.