13:05 17/05/2023

TP.HCM sẽ chuyển 648 ha đất phi nông nghiệp sang đất ở

Ban Mai

Trong kế hoạch sử dụng đất, TP.HCM đặt chỉ tiêu chuyển 684 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở; chuyển 9.867 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn.

Sau 5 năm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của thành phố còn một số hạn chế. 

Cụ thể, trong quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và địa phương đã đăng ký.

Đến năm 2020, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn 562 công trình, dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, 117 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 73 dự án phát triển đô thị; 31 dự án công nghiệp; 29 dự án giáo dục; 18 dự án thương mại, dịch vụ…

Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch các ngành có sử dụng đất chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành có sử dụng đất. 

Về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trình chỉ tiêu phân bổ 102.191 ha đất nông nghiệp, 106.750 ha đất phi nông nghiệp và 598 ha đất chưa sử dụng. 

Đối với kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, TP.HCM đặt chỉ tiêu chuyển 684 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở; chuyển 9.867 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng 4.480 ha đất trong nội bộ đất nông nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện có kết quả phương án kế hoạch sử dụng đất 5 năm, thành phố đề ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình thu hồi đất vùng phụ cận các dự án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Từ đây tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất và phần đất dôi dư được bán đấu giá.

Đối với cải tạo và xây dựng mới thay thế các chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, thành phố khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện tốt di dời tháo dỡ bằng cách hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất và bồi thường...

Đặc biệt, việc rà soát điều chỉnh ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ (tại khu vực cù lao Phú Lợi) đã xác định được ranh giới, diện tích theo quyết định số 173 của Thủ tướng chính phủ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020, TP.HCM được duyệt chỉ tiêu 88.000 ha đất nông nghiệp nhưng kết quả vẫn còn gần 23.000 ha chưa thực hiện. Đối với sử dụng đất phi nông nghiệp, chỉ tiêu phê duyệt là 118.890 ha nhưng TP.HCM chỉ thực hiện được 96.643 ha, đạt 81,28%. 

Trong đó, đất thương mại, dịch vụ: chỉ tiêu Chính phủ giao là 3.443 ha, kết quả thực hiện là 3.933 ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 899,48 ha.

Đất ở tại nông thôn, chỉ tiêu Chính phủ giao là 10.615 ha, kết quả thực hiện là 9.007 ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 1.607 ha.

Đất ở tại đô thị: chỉ tiêu Chính phủ giao là 24.060 ha, kết quả thực hiện là 20.305 ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 3.754 ha, đạt tỷ lệ 84,39% so với chỉ tiêu kế hoạch. 

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo "Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn TP HCM: Thực trạng trong gian đoạn 2011-2020 và giải pháp trong thời gian tới", diễn ra vào cuối tháng 12/2022, TS Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), đã chỉ ra nhiều hạn chế.

Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn 5 huyện chiếm 93,49% tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Còn lại 6,51% diện tích đất nông nghiệp còn lại phân bố rải rác ở quận Bình Thạnh và các quận nội thành phát triển khác (quận 12, quận Bình Tân) và TP. Thủ Đức. Trong đó, một số nơi thực chất không còn sản xuất nông nghiệp nữa mà chỉ là đất nông nghiệp trên giấy, chẳng hạn khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đặt mục tiêu chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhưng thực tế chỉ làm được 13%-14%. TP.HCM có nhiều quy hoạch "treo", dự án "treo".

Nhiều khu đất nông nghiệp tồn tại ở dạng "da beo" với quy mô nhỏ và rải rác (huyện Bình Chánh và Hóc Môn), khó có khả năng khai thác hiệu quả cho mục đích nông nghiệp, hiện để trống hoặc sử dụng với mục đích phi nông nghiệp.

Theo TS Phạm Trần Hải, cần có thống kê quỹ đất nông nghiệp để có giải pháp, định hướng chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp vì đất nông nghiệp nằm rải rác, không đủ độ tích tụ để làm dự án lớn. Những mảnh đất nông nghiệp xé lẻ dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích và chuyển đổi sai quy định dễ dàng xảy ra.