Trào lưu nghe băng cassette trở lại
Thú chơi cassette cổ, cũng như sưu tập băng cassette, đang dần thịnh hành trở lại, sau một thời gian tưởng như đã “tuyệt chủng”. Trên khắp thế giới, rất nhiều những người hoài cổ vẫn đang ngày đêm tìm kiếm và phục dựng loại thiết bị được xem là lỗi thời này…
Đối với giới nghe nhạc, băng cassette giống một định dạng analog tiêu chuẩn như đĩa vinyl, tuy nhiên băng từ nhỏ gọn này mang đến một thứ mà đĩa vinyl không có được đó là khả năng thu âm từ các nguồn phát khác, do đó có thể tạo ra một cuốn băng thu chọn lọc từ nhiều album, nhiều nguồn phát khác nhau. Và so với băng cối R2R, chi phí cho việc sở hữu đầu cassette và cả băng cũng dễ chịu hơn rất nhiều, hầu như ai cũng có thể tiếp cận thú chơi này.
Những chiếc máy nghe cassette cầm tay được nhiều bạn trẻ ngày nay săn đón không phải một điều ngẫu nhiên. Đó không chỉ là phương tiện để các mọi người thưởng thức những sản phẩm âm nhạc từ các nghệ sĩ yêu thích mà còn hòa mình vào một trải nghiệm “cũ mà mới” do chiếc băng cassette tạo ra. Với các nghệ sĩ indie, việc người trẻ mua và ủng hộ các sản phẩm âm nhạc của họ chính là cách để duy trì niềm đam mê và tiếp tục cho ra đời các sản phẩm chất lượng hơn.
Ca sĩ nổi tiếng Ariana Grande từng gây bất ngờ khi phát hành album nhạc cá nhân trên định dạng băng cassette. Tuy nhiên, cô lại nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ người hâm mộ. Album Thank U, Next (phát hành năm 2019) của Ariana Grande chiếm vị trí đứng đầu bảng xếp hạng băng đĩa (với 540 băng cassette bán ra ở tuần đầu). Không chỉ thế, hai cái tên nổi tiếng The 1975 & Billie Eilish cũng giúp cho doanh số bán băng cassette trong năm 2019 chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây (kể từ năm 2004).
Cơn sốt cassette đã quay lại tại Mỹ. Theo công ty dữ liệu giải trí Luminate, năm ngoái doanh số bán băng cassette ở nước này đã tăng gấp đôi, cán mốc 340.000 băng. Đây là doanh số cao nhất kể từ năm 2015. Các nghệ sĩ được nhiều khán giả trẻ yêu thích như Harry Styles cũng đã phát hành nhạc trên băng cassette.
Được đánh giá là mang đến một nền tảng giá rẻ để nhiều người có thể thử nghiệm việc phát hành các sản phẩm âm nhạc của họ ở quy mô nhỏ, hãng đĩa Bruised Tongue ở Ottawa hiện chủ yếu hoạt động nhờ việc ghi âm cho các ban nhạc punk địa phương, bên cạnh các nhóm nhạc hip-hop, metal và nhạc thử nghiệm. "Trình diễn ở cấp độ địa phương, phát hành băng cassette ở địa phương là một hướng đi hợp lý," Craig Proulx, đồng sở hữu Bruised Tongue đánh giá.
Bên cạnh đó, nhiều công ty lại trở về loại hình thu âm đã khởi đầu tất cả này và xem đây như điểm tạo hấp lực chính. Denise Gorman, đồng sở hữu công ty Analogue Media Technologies có trụ sở ở Montreal (Canada) cho biết công ty của anh đã nắm bắt một cách nhạy bén xu hướng này và đã chuẩn bị tốt để phục vụ khách hàng. Thực tế, Analogue đã nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới. Điểm mạnh của Analogue là do quy mô nhỏ nên công ty có độ linh hoạt lớn hơn và cho ra sản phẩm nhanh hơn các đối thủ nên thu lợi cũng lớn hơn.
Tương tự, Esther Ford, chủ hãng thu âm Deco Records, doanh nghiệp bán cả băng cassette và đĩa CD cho biết cô đã thấy sự tăng trưởng doanh thu của những cuốn băng trong thời gian gần đây. “Tôi đã bắt đầu bán những cuộn băng trắng cho nhiều ban nhạc để họ ghi âm lại phần tập luyện của mình, và họ thấy âm thanh trên băng cassette nghe tốt hơn so với bản ghi trên điện thoại di động," Esther Ford cho hay. "Họ có thể dùng những gì được ghi trong băng để hoàn thiện âm nhạc của mình. Và thế là bây giờ tôi phải tìm mua thật nhiều băng trắng về để bán, khi có rất nhiều người đến và hỏi về chúng”.
Tại Nhật Bản, nhiều mẫu máy cassette đời mới đến cũ cũng đang có giá đắt gấp 2 - 5 lần do nhu cầu người dùng tăng trở lại. Theo Nikkei, một số mẫu máy cassette hàng chục năm tuổi đang được bán tại Nhật Bản với giá tăng vọt, có nhiều model đắt gấp 5 lần so với 10 năm trước. Chẳng hạn, Sony Walkman TPS-L2, một trong những máy nghe nhạc di động đầu tiên trên thế giới được ra mắt năm 1979. Từ mức giá 33.000 yên (khoàng 243 USD), hiện nay những thiết bị trong tình trạng tốt đang được bán với giá khoảng 50.000 - 100.000 yên (365 - 730 USD).
Đại diện của BuySell Technologies, một công ty có trụ sở tại Tokyo, cho biết: "Ngay cả những sản phẩm cũ, xấu cũng có giá đến 30.000 yên". Người đại diện này cho biết, giá đã tăng gần gấp 5 lần vì hiện nay ít trong số chúng được lưu hành hơn, và có "nhiều người thích văn hóa mang theo máy cassette". Nhiều người trong số những người mua là nam giới lớn tuổi có thu nhập khả dụng hơn để chi tiêu cho sở thích của họ.
Công ty Beenos có trụ sở tại Tokyo cho biết máy nghe nhạc cassette trên Sekaimon, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đã được bán với giá trung bình 24.000 yên trong năm nay, cao hơn khoảng 50% so với năm 2021. Những người mua trung bình là 45 tuổi và 90% là nam giới. Những người đam mê băng cassette ở nước ngoài không thể đến Nhật Bản vì đại dịch cũng đã săn lùng các mặt hàng trên thị trường thứ cấp trực tuyến.
Nhà sưu tập đồ điện tử Junichi Matsuzaki cho biết: "Bởi vì đồng yên hiện đang rất yếu, người sưu tập nước ngoài đang có được những sản phẩm chất lượng cao với giá hời". Matsuzaki cho biết hiện anh có khoảng 5.000 băng đã qua sử dụng và các thiết bị cassette khác từ khắp nơi trên thế giới, được cung cấp thông qua các kênh riêng. Anh cho biết đã nhận được yêu cầu từ những người đam mê nước ngoài hỏi mua toàn bộ bộ sưu tập của mình.