09:23 08/05/2025

Triển vọng kinh tế khó đoán định, Chủ tịch Fed bác bỏ khả năng sớm giảm lãi suất

An Huy

“Phạm vi, mức độ và độ dai dẳng của những yếu tố khó lường là rất, rất khó đoán định”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói...

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại họp báo ngày 7/5 ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại họp báo ngày 7/5 ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 7/5 đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời nói rằng rủi ro lạm phát tăng và thất nghiệp tăng đã trở nên lớn hơn trước. Nhận định của Fed cho thấy thế khó của các nhà hoạch định chính sách khi ứng phó với triển vọng kinh tế Mỹ trở nên khó đoán do thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Tại họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ở thời điểm hiện tại, chưa rõ liệu nền kinh tế có thể tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng hay sẽ suy yếu dưới sức ép của sự bất định lớn và khả năng lạm phát tăng mạnh trở lại.

FED “ÁN BINH BẤT ĐỘNG” VÌ MỌI SỰ KHÓ LƯỜNG

“Phạm vi, mức độ và độ dai dẳng của những yếu tố khó lường là rất, rất khó đoán định”, ông Powell phát biểu tại họp báo. “Hoàn toàn chưa có gì rõ ràng về việc chính sách tiền tệ nên phản ứng ra sao ở thời điểm này. Chúng tôi chưa biết nên làm như thế nào. Tôi không nghĩ là chúng tôi có thể nói mọi việc sắp tới sẽ diễn ra theo chiều hướng nào”.

Giới phân tích nhận định rằng những phát biểu này là cách ông Powell ngầm truyền đi thông điệp rằng Fed - với vai trò một lực lượng quan trọng trong việc định hình nền kinh tế Mỹ - sẽ “án binh bất động” cho tới khi chương trình nghị sự với những thay đổi chính sách lớn của ông Trump hoàn toàn có hiệu lực.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed nói rằng kể từ sau cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào tháng 3, “sự bất định về triển vọng kinh tế đã tăng cao hơn”, với rủi ro lạm phát tăng và thất nghiệp tăng đều lớn hơn trước.

Lần họp này, Fed giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm trong khoảng 4,25-4,5%, một kết quả đã được thị trường dự báo trước đó. Đây là mức lãi suất đã được FOMC duy trì từ tháng 12 năm ngoái sau ba lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm tròn 1 điểm phần trăm.

Nhà kinh tế trưởng về Mỹ của ngân hàng đầu tư Jefferies, ông Thomas Simons, nói rằng ngôn ngữ trong tuyên bố của Fed đã “nói giảm nói tránh” về những biến động xảy ra kể từ sau cuộc họp ngày 18-19/3 của ngân hàng trung ương này, cũng như sự khó lường gia tăng của triển vọng kinh tế kể từ thời điểm đó.

Sau khi kế hoạch thuế đối ứng được công bố, và những động thái thuế quan khó lường sau đó, “tâm lý bi quan gia tăng trong các cuộc khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng đã khiến cho Fed không thể đánh giá chuẩn xác được triển vọng kinh tế và cả sự dịch chuyển của rủi ro”, ông Simons viết trong một báo cáo. Ông cũng cho rằng ông Powell thể hiện một quan điểm “không cam kết gì” về chính sách tiền tệ, và đây là điều đã có thể đoán trước.

Tuyên bố của Fed và những phát biểu tại họp báo của ông Powell phác họa một nền kinh tế Mỹ còn vững và việc làm vẫn tăng trưởng. Khi được hỏi về việc tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm trong quý 1, ông Powell nói đó là do nhập khẩu tăng mạnh khi doanh nghiệp và người tiêu dùng đẩy mạnh việc mua hàng hóa trước khi thuế quan có hiệu lực. Ông nói thêm rằng các thước đo về nhu cầu trong nước vẫn tăng trưởng.

Lãi suất quỹ liên bang của Fed qua các năm - Nguồn: Fed/WSJ.
Lãi suất quỹ liên bang của Fed qua các năm - Nguồn: Fed/WSJ.

Giới phân tích nói rằng Fed đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

“Họ đang ở vào thế khó. Nếu tôi ở trong cuộc họp của Fed, tôi cũng sẽ đề xuất họ không làm gì vào thời điểm này”, ông William English - một cựu cố vấn cấp cao của Fed - nói với tờ báo Wall Street Journal.

FED CÓ THỂ GIẢM LÃI SUẤT VÀO THÁNG 6?

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng nếu Fed cắt giảm lãi suất, việc đó có thể làm lạm phát trở nên tệ hơn. Giảm lãi suất giúp nền kinh tế ổn định và hỗ trợ tăng trưởng thu nhập ổn định, nhưng có thể khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao hơn. Các quan chức Fed tin rằng những kỳ vọng đó sẽ dẫn tới một vòng xoáy tự mạnh lên. Ngược lại, nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tin rằng lạm phát sẽ thấp và ổn định theo thời gian, kỳ vọng lạm phát “được neo chặt” như vậycó thể đóng vai trò quan trọng để đảm bảo rằng lạm phát không tiếp tục leo thang.

“Doanh nghiệp và người tiêu dùng đang lo lắng và trì hoãn nhiều quyết định kinh tế khác nhau. Nếu tình trạng này tiếp diễn và không có gì giúp giải tỏa những mối lo đó, tất cả sẽ được phản ánh qua các dữ liệu kinh tế”, ông Powell phát biểu tại họp báo.

Tuy nhiên, Fed không thể phản ứng cho tới khi nền kinh tế cho thấy một hướng đi rõ ràng và Fed đánh giá chính xác được những rủi ro đối với hai mục tiêu là giữ lạm phát ở mức 2% và duy trì sự toàn dụng của thị trường lao động.

“Lập trường chính sách tiền tệ hiện nay đặt chúng tôi vào một vị thế tốt để phản ứng một cách kịp thời với những diễn biến kinh tế có thể xảy đến”, ông Powell nói, tái khẳng định lập trường “chờ xem” vốn đã duy trì từ sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Đường đi chính sách của Fed sẽ tùy thuộc vào các rủi ro liên quan tới lạm phát và việc làm diễn biến như thế nào, hoặc tệ hơn là liệu lạm phát và thất nghiệp có tăng cùng nhau và đặt Fed vào một lưa chọn đầy khó khăn. Thị trường việc làm suy yếu thường là lý do để giảm lãi suất, trong khi lạm phát tăng đòi hỏi thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Fed đang giữ lập trường chờ đợi cho tới khi mọi thứ trở nên rõ ràng”, Giám đốc đầu tư Ashish Shah của công ty Goldman Sachs Asseet Management nhận xét. Ông nói thêm rằng “số liệu việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ mới đây đã ủng hộ quan điểm này của Fed, và vấn đề nằm ở chỗ liệu thị trường việc làm có xấu đi tới mức đủ để Fed tiếp tục chu kỳ nới lỏng”.

Giới đầu tư hiện đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào nửa sau của năm nay. Một đợt giảm lãi suất vào cuộc họp tiếp theo của Fed, dự kiến vào ngày 17-18/6, sẽ không gây ngạc nhiên nếu nền kinh tế giảm tốc nhiều - theo ông English. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một đợt giảm lãi suất vào tháng 6 “sẽ đòi hỏi sự rõ ràng hơn về triển vọng kinh tế so với những gì tôi kỳ vọng”.