09:38 27/12/2019

Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2020

Nguyên Minh

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới

Ngày 26/12/2019, tại Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019, tọa đàm với chủ đề "Thị trường chứng khoán 2019 và triển vọng năm 2020" đã diễn ra. 

Năm 2019, thị trường chứng khoán có nhiều dấu ấn quan trọng mang tính nền tảng để triển khai thực hiện các chiến lược phát triển thị trường trong những năm tiếp theo. Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đón dấu mốc quan trọng với việc kỷ niệm 20 năm hình thành phát triển và cũng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới. 

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia đã được đưa ra với một tâm thế lạc quan về triển vọng của thị trường. 

Thị trường cần minh bạch hơn nữa

Ông Vũ Bằng - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Mỗi năm được thở hít không khí chứng khoán, tôi thấy khác nhau ý kiến ở 10 sự kiện nổi bật là điều tất nhiên. 

Năm 2019, biến động quốc tế khó khăn khiến thị trường bị trồi sụt, tăng trưởng kiểm soát lạm phát ổn định. Tăng trưởng kinh tế có 2 yếu tố, về phía Chính phủ có nhiều cải cách đổi mới mô hình tăng trưởng, điều kiện đăng ký kinh doanh cải thiện rất rõ, thặng dư tài sản vãng lai, thặng dư thương mại tích cực.  

Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế trong năm qua.  

Trong năm tới, kinh tế vĩ mô vẫn còn khó khăn, căng thẳng thương mại, suy thoái, nợ quốc gia tăng, cũng có những điểm tích cực, chính phủ các nước đang có chính sách kích thích, giảm bớt sự suy thoái, sự lên giá của USD và lãi suất không còn, lạm phát không cao, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn. Trước khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái ta cần linh hoạt hơn về chính sách tiền tệ, linh hoạt hơn về tỷ giá. 

Trụ cột vốn thứ 2 về đầu tư cơ sở hạ tầng, quyết liệt hơn, từ quý 4 và năm 2020 giải ngân đến tăng trưởng sẽ gia tăng, đặc biệt là thu hút tư nhân vào cơ sở hạ tầng mạnh hơn, nhanh hơn tác động đến thị trường.  

Tỷ giá cùng các yếu tố khác, làm thị trường trái phiếu chính phủ được thúc đẩy tốt hơn, giảm bớt rủi ro hơn, thị trường phái sinh bỏ yêu cầu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ thuận lợi hơn.  

Thị trường vốn có 2 công việc. Thứ nhất là vai trò thị trường vốn được đề cao, trong bối cảnh ngân hàng giảm vốn dài hạn, đẩy vai trò thị trường vốn. Về phía UBCKNN, nên có sự nới lỏng trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cổ phiếu, trái phiếu. 

Thứ hai, tôi đánh giá cao thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua khi tăng trưởng khá tốt. Lãi suất 14-15% là cung cầu thị trường, trong khi vốn của ngân hàng thắt lại. Chúng ta không nên vì cảm nhận thị trường tăng trưởng nhanh mà đánh giá không phù hợp. Tôi cho là tâm lý rủi ro đưa vào luật chứng khoán thì sẽ rất khó khăn trong sửa đổi. 

Phát hành riêng lẻ nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm. Nếu trông chờ vào cơ quan định mức tín nhiệm, doanh nghiệp bao giờ mới huy động được vốn. Định mức nhiều mà chất lượng kém thì còn phức tạp hơn, thông lệ quốc tế phát hành riêng lẻ chỉ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và chỉ giao dịch cho nhà đầu chứng khoán chuyên nghiệp, và sau 1 năm phát hành ra bên ngoài thì đó là rủi ro.  

Cần tự do hóa các yếu tố liên quan đến thị trường nợ, nếu còn trần lãi suất, trần nợ cần bỏ quy định trần và xử lý các ngân hàng yếu kém muốn giảm lãi suất. Thị trường cần phải minh bạch hơn nữa, tăng cường định giá tài sản đảm bảo, tuyên truyền nhà đầu tư. 

Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục kiên định

Ông Phạm Chí Quang  - Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước

Năm qua là một năm có những thành tựu rất đáng khâm phục, có thể điểm ra 1 vài sự kiện là điểm sáng của ngành ngân hàng. Về lãi suất, trong 2019, mặt bằng lãi suất dù có biến động lớn trên thế giới, nhưng điều hành mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước rất ổn định tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ. Hai năm liên tục chúng ta đã phát hành kỳ hạn trái phiếu chính phủ rất dài, 30 năm đã phát hành thành công có sự đóng góp tích cực của Ngân hàng Nhà nước. 

Về tỷ giá, trong 2 năm qua, đặc biệt là năm 2019 đã duy trì được tỷ giá rất ổn định dù đồng Nhân dân tệ biến động, các đồng tiền của các nước ASEAN cũng biến động rất lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động. Đây cũng là một điểm sáng nữa của chính sách tiền tệ. 

Trong vòng 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất kiên định trong điều hành chính sách tiền tệ nhất là điều hành tín dụng, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp so với những năm trước đây, từ 14-15%, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đã góp phần vào đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế khi tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì và tăng trưởng tín dụng đã giảm bớt. Điểm sáng khác là đã thực hiện tốt đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đạt được chỉ tiêu quan trọng nhất, lành mạnh về mặt tài chính. 

Trong năm qua, vai trò điều phối đã được thực hiện chặt chẽ, tăng cường nhuần nhuyễn nhất trong những năm vừa qua, năm 2020 sẽ tăng cường sự kết hợp với các chính sách khác, quản lý sự ổn định của tổ chức tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế phát triển.

Có góc nhìn tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán năm 2020

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam 

Nhìn vào 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019, có 2 sự kiện đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý. Nhìn vào đây có nhiều điểm đáng suy nghĩ, ví dụ như năm nay thanh khoản thị trường giảm 29%, thanh khoản giảm là 1 vấn đề mà đã có dữ liệu trước, không có gì bất ngờ bởi vì trong bối cảnh chiến tranh thương mại tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, các quỹ nhà đầu tư ngoại có xu hướng rút vốn thì việc cân nhắc giải ngân mới của các nhà đầu tư có những vấn đề thận trọng hơn.

Vì nền kinh tế Việt Nam khá tốt, vĩ mô ổn định, trong 3 năm liên tục gần đây, triển vọng tốt nên áp lực bán ra của thị trường cũng không có nhiều trong bối cảnh giằng co đó, thị trường chứng khoán vẫn có những bước phát triển khá tốt. 

Ví dụ chỉ số VN-Index tăng trên 7,9%, quy mô thị trường tăng trên 10%, thanh khoản trên thị trường trái phiếu tăng. Các nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng hơn 13.000 tỷ trên thị trường trái phiếu, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vẫn vào ròng trong khi các nước xung quanh hầu hết bị rút vốn. 

Vậy với bức tranh của năm nay qua 10 sự kiện trên, năm sau liệu có gì? 

Từ khía cạnh kinh tế vĩ mô của đất nước, năm nay tăng trưởng trên 7%, lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua, thị trường trái phiếu chính phủ chuyển biến tích cực. Chưa bao giờ chúng ta huy động được trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài như bây giờ, lãi suất thấp như bây giờ. 

Do vậy có thể nói mặc dù tình hình có nhiều biến động nhưng tình hình trong nước có nhiều yếu tố để tin tưởng. Riêng Việt Nam có sự tăng trưởng, không phải chỉ có chúng ta mà bạn bè quốc tế cũng có đánh giá như vậy. 

Về phía Ngân hàng Nhà nước, các chính sách điều hành tiền tệ trong nhiều năm qua rất tốt, thị trường trái phiếu chính phủ cũng như cổ phiếu có sự phát triển cũng như các thương vụ M&A tiếp tục gia tăng. Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi thấy có một góc nhìn tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2020 sẽ khởi đầu tích cực

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán SSI 

Những thông tin mới nhất cho thấy tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái thận trọng trong tháng 11-12 vừa qua. Trong 2 khảo sát liên tục, khẩu vị các nhà đầu tư, các quỹ càng ngày càng trở nên tích cực hơn với cổ phiếu, tăng tỷ trọng cổ phiếu và giảm tỷ trọng trái phiếu trong danh mục. Các kênh khác như vàng và gửi tiết kiệm không còn là lựa chọn đầu tư tối ưu. 

Một mặt các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, cộng với dự báo kinh tế 2020 cao hơn 2019, đó là điều kiện để đầu tư cổ phiếu. 

Tổng kết tháng 12, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng nhưng chỉ tập trung cục bộ vào một số cổ phiếu trong khi việc mua ròng ở nhiều cổ phiếu khác được dàn đều. Tôi cho rằng sang những tháng đầu năm 2020, nhà đầu tư sẽ định hình rõ hơn và giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam 2020 khởi đầu tích cực. 

Có thể thấy, rủi ro trong năm 2020 đã ít đi khá nhiều so với năm 2019, dòng tiền nước ngoài vào và thị trường chờ đợi thêm các yếu tố khác trong tương lai như việc các rủi ro có được giảm bớt hay chỉ là đình chiến tạm thời. Thị trường chứng khoán trong quý 1, tháng 1 âm lịch tương đối "vui vẻ", sau đó thị trường sẽ chờ đợi đón nhận các thông tin tích cực hơn.