Triều Tiên lạc quan sau cuộc gặp Mỹ-Triều lịch sử
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng loạt tin bài lớn với nội dung lạc quan, tích cực về cuộc gặp ngày 30/6 giữa ông Kim và ông Trump
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 1/7 đăng loạt tin bài lớn với nội dung lạc quan, tích cực về cuộc gặp ngày 30/6 ở biên giới Triều-Hàn giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo hãng tin Bloomberg, trang nhất tờ báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đăng 7 bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA gọi cuộc gặp này giữa ông Kim và ông Trump là một "bước ngoặt lớn" trong chuỗi sự kiện của quan hệ Triều-Mỹ.
Từ tháng 6/2018 đến nay, ông Kim gặp ông Trump 3 lần. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa thể thuyết phục được ông chủ Nhà Trắng nới các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo đang áp lên Bình Nhưỡng.
Trong cuộc gặp kéo dài khoảng một giờ đồng hồ tại khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới hai miền bán đảo Triều Tiên, ông Kim và ông Trump đã nhất trí nối lại cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cho biết các quan chức hai bên sẽ sớm tái khởi động các cuộc thảo luận để vạch ra chi tiết một thỏa thuận phi hạt nhân hóa.
KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un nói rằng "mối quan hệ cá nhân tốt đẹp" giữa ông với ông Trump đã giúp cuộc gặp có thể diễn ra dù chỉ được báo trước một ngày. Bài báo cũng nói "mối quan hệ này sẽ tiếp tục mang lại những kết quả tốt đẹp không ai có thể đoán trước, đồng thời giữ vai trò là lực lượng ‘bí ẩn’ giúp vượt qua khó khăn và thách thức trong tương lai".
Tờ Rodong Sinmun đăng dòng tít lớn: "Lãnh tụ tôn kính Kim Jong Un gặp Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp lịch sử ở Bàn Môn Điếm".
Trang web của KCNA đăng hơn 30 bức ảnh về cuộc gặp, nhận định rằng cuộc gặp này đã chấm dứt "mối quan hệ xấu giữa hai nước". Bài báo cũng nói, trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã cho thấy rõ "sự thấu hiệu và cảm thông" với nhau.
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay. Sau cuộc gặp đó, ông Trump nói rằng ông Kim đòi hỏi quá nhiều về nới trừng phạt trong khi nhượng bộ quá ít về cắt giảm vũ khí để đổi lại.
Theo giới quan sát, nếu không có bước tiến nào mới trong cuộc đàm phán hạt nhân, việc ông Trump liên tục gặp ông Kim có thể chỉ giúp ích cho hình ảnh của ông Kim ở Triều Tiên. Trong khi đó, ông Trump có thể bị nhìn nhận là chấp nhận địa vị không chính thức của Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
KCNA nói ông Kim và ông Trump "bày tỏ sự hài lòng to lớn về kết quả hội đàm", và hai nhà lãnh đạo đã nhất trí "nối lại và thúc đẩy các cuộc đối thoại hiệu quả" về phi hạt nhân hóa.