08:12 28/07/2012

Trong tuần, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh

Diệp Anh

Tăng liên tục vài phiên vừa qua, nhưng tính chung cả tuần, giá xăng dầu thế giới vẫn đang trong xu thế giảm mạnh

Động lực chính giúp giá xăng, dầu đi lên trong phiên cuối tuần là việc nhà đầu tư hy vọng cuộc họp chính sách tuần tới của giới lãnh đạo tài chính.
Động lực chính giúp giá xăng, dầu đi lên trong phiên cuối tuần là việc nhà đầu tư hy vọng cuộc họp chính sách tuần tới của giới lãnh đạo tài chính.
Tăng liên tục vài phiên vừa qua, nhưng tính chung cả tuần, giá các mặt hàng năng lượng loại hợp đồng giao sau trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu thế giảm, thậm chí mức giảm khá lớn.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần (27/7), giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 trên sàn trao đổi hàng hóa New York tăng 74 cent, tương ứng 0,8%, lên 90,13 USD/thùng. Đây là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp của dầu thô trong tuần này, nhưng do mức giảm lên tới 4% trong ngày đầu tuần, nên tựu chung cả tuần, giá dầu kỳ hạn loại này vẫn giảm tới 1,3%.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các mặt hàng năng lượng khác. Cụ thể, phiên cuối tuần, giá xăng giao tháng 8 tăng 7 cent, tương ứng 2,6%, lên 2,89 USD/gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn tăng 2 cent, tương ứng 0,7%, lên 2,89 USD trên mỗi gallon. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giao dịch này, giá xăng hạ 1,7% còn giá dầu sưởi giảm 1%.

Phiên giao dịch đêm qua, động lực chính giúp giá xăng, dầu đi lên là việc nhà đầu tư hy vọng cuộc họp chính sách tuần tới của giới lãnh đạo tài chính, sẽ mang lại một vài dấu hiệu về gói kích thích kinh tế mới. Niềm hy vọng này đã xóa mờ phần nào những thất vọng của các nhà đầu tư năng lượng đối với những số liệu của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra một tuyên bố chung nói rằng họ sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi có phát biểu tương tự tại một hội nghị đầu tư.

Thái độ quyết liệt của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc bảo vệ sự tồn vong của Khu vực đồng tiền chung châu Âu giữa bối cảnh nền kinh tế tại đây đang bị tác động mạnh bởi khủng hoảng nợ công, đã trở lại động lực quan trọng thúc đẩy đồng Euro lên giá và ép chỉ số USD giảm tiếp từ mức 82,834 điểm phiên 26/7 xuống còn 82,661 điểm.

Đồng USD xuống giá luôn được xem là yếu tố có lợi cho giá cả các loại hàng hóa tính bằng đồng tiền này. Hiện có nhiều dự báo cho rằng, giá dầu thô thế giới sẽ sớm vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng. Tuy nhiên, cũng có người nhận định điều này khó có thể xảy ra, do ảnh hưởng từ việc nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong quý 2 vừa qua.

Đi ngược với xu thế chung trong ngày cuối tuần, mặt hàng khí tự nhiên giao tháng 8 giảm tới 10 cent, tương ứng 3,1%, xuống còn 3,01 USD/ triệu BTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên rớt tới 2,3%.