Trung Quốc áp thuế quan trả đũa 34% lên hàng Mỹ
Đây là động thái đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 thông báo đáp thuế đối ứng 34% với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4...

Chính phủ Trung Quốc ngày 4/4 tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng 34% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc từ ngày 10/4. Đây là động thái đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 thông báo đáp thuế đối ứng 34% với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4.
Động thái này cũng đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Trung Quốc yêu cầu Mỹ lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết các bất động thương mại thông qua tham vấn theo cách bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi", Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo ngày 4/4.
Trong một thông báo về thuế quan trả đũa, Ủy ban Thuế quan của Quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh hành động của Mỹ không tuân thủ các quy định thương mại quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.
“Đây là hành động bắt nạt đơn phương điển hình”, thông cáo nêu rõ.
Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã hai lần áp thuế quan bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi lần 10%. Nhà Trắng cho rằng hành động này là cần thiết để buộc Bắc Kinh phải hành động đủ mạnh để ngăn chặn dòng chảy chất gây nghiện fentanyl từ Trung Quốc vào Mỹ. Cộng với thuế quan đối ứng 34% mà ông Trump công bố hôm 2/4, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu thuế quan bổ sung tổng cộng là 54%.
Thuế quan trả đũa mới nhất của Bắc Kinh nhằm vào Mỹ có quy mô lớn và phạm vi áp dụng lớn hơn so với các lần trả đũa trước đó. Trong những lần trước, Trung Quốc cũng phản ứng nhanh nhưng tương đối nhẹ nhàng khi chỉ áp thuế quan trả đũa với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm nông sản và nhiên liệu, đồng thời có hành động nhằm vào một số doanh nghiệp Mỹ và siết kiểm soát xuất khẩu.
Thuế quan trả đũa 34% mà Bắc Kinh vừa đưa ra cũng cao hơn so với dự báo của nhiều nhà phân tích và được đánh giá là có thể định hình lại hoàn toàn mối quan hệ giữa hai cường quốc, cũng như dòng chảy thương mại trị giá hơn 500 tỷ USD giữa hai nền kinh tế sau nhiều thập kỷ phụ thuộc lẫn nhau.
Nằm trong kế hoạch trả đũa công bố ngày 4/4, Trung Quốc cũng đưa 11 công ty Trung Quốc vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, bao gồm một số nhà sản xuất máy bay không người lái, đồng thời siết xuất khẩu hàng hóa cho 16 công ty Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng công bố khởi động điều tra chống bán phá giá với ống chụp X-quang CT y tế nhập khẩu từ Mỹ và Ấn Độ.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ra quy định hạn chế xuất khẩu với 7 loại vật liệu đất hiếm cho Mỹ, bao gồm samarium, gadolinium và terbium.
Các hành động leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc. Không chỉ chịu tác động nặng nề bởi thuế quan của ông Trump với Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia châu Á khác. Mức thuế đối ứng cơ sở của ông Trump là 10% và cao hơn với một số đối tác thương mại, cao nhất lên tới 50%.
Với Trung Quốc, căng thẳng thương mại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này suy yếu. Các quan chức Bắc Kinh gần đây đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và ứng phó với chiến tranh thương mại.
Trong một báo cáo nghiên cứu ngày 3/4, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty Macquarie Group, ước tính các diễn biến leo thang căng thẳng hiện tại có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay giảm tới 2,5 điểm phần trăm. Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2025.
“Tác động có thể được biểu hiện qua nhiều hình thức như nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tại Mỹ sụt giảm, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu và định hình lại dòng chảy xuất khẩu”, ông Hu nhận định.
JPMorgan Chase hiện dự báo khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay là 60%, tăng từ khả năng 40% mà ngân hàng Mỹ này dự báo trước đó.