11:36 04/04/2025

Quốc gia châu Phi bị ông Trump áp thuế đối ứng 50%

Đức Anh

Từng được ông Trump mô tả là “đất nước chưa ai từng nghe nói đến”, Lesotho là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ hơn 2 tỷ USD...

Công nhân tại một nhà máy ở thủ đô Maseru, Lesotho, trở về nhà sau ca làm việc - Ảnh: Reuters
Công nhân tại một nhà máy ở thủ đô Maseru, Lesotho, trở về nhà sau ca làm việc - Ảnh: Reuters

Nằm ở phía Nam châu Phi, vương quốc Lesotho vừa trở thành cái tên được chú ý toàn cầu khi là quốc gia bị Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối ứng cao nhất 50%.

Từng được ông Trump mô tả là “đất nước chưa ai từng nghe nói đến”, Lesotho là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ hơn 2 tỷ USD.

Quốc gia này có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nếu xét theo tỷ trọng so với tổng kim ngạch song phương, chủ yếu là xuất khẩu kim cương và hàng dệt may, bao gồm quần áo jeans thương hiệu Mỹ Levi's. Năm 2024, Lesotho xuất khẩu 237 triệu USD hàng hóa sang Mỹ, chiếm hơn 10% GDP nước này, và chỉ nhập khẩu 2,8 triệu USD ở chiều ngược lại.

Trong thông báo thuế quan ngày 2/4, ông Trump nói rằng “thuế quan đối ứng của Washington là phản ứng với thuế quan và rào cản phi thuế quan mà các đối tác thương mại đang áp đặt với hàng hóa Mỹ”. Theo số liệu từ Chính phủ Mỹ, Lesotho hiện áp thuế quan 99% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào nước này.

Động thái trên của ông Trump có thể đánh dấu chấm hết cho thỏa thuận thương mại theo Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA). Có từ năm 2000, đây là đạo luật được thiết kế để thúc đẩy phát triển các nền kinh tế châu Phi thông qua việc tiếp cận thị trường Mỹ. Theo đạo luật này, các quốc gia châu Phi đủ tiêu chuẩn được phép xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ mà không phải chịu thuế quan.

Quyết định thuế quan của ông Trump cũng làm trầm trọng thêm tình hình ở châu Phi sau khi chính quyền Trump giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) - cơ quan cung cấp viện trợ hàng đầu của châu Phi.

“Thuế đối ứng 50% với hàng hóa từ Lesotho vào Mỹ có thể giết chết ngành dệt may của Lesotho”, ông Thabo Qhesi, nhà phân tích kinh tế độc lập tại thủ đô Maseru của Lesotho, nhận định với hãng tin Reuters.

Theo công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, dệt may hiện là ngành sử dụng nhiều lao động nhất tại Lesotho với khoảng 40.000 lao động. Ngành dệt may chiếm gần 90% lực lượng lao động ngành sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Lesotho, sau Nam Phi. Những năm gần đây, các nhà máy dệt may ở Lesotho sản xuất quần jeans cho nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như Levi's và Wrangler. Quần áo chiếm gần 3/4 kim ngạch xuất khẩu của Lesotho sang Mỹ. Thuế quan Mỹ tăng lên có thể khiến người tiêu dùng Mỹ giảm nhu cầu với các mặt hàng nhập khẩu từ Lesotho, kéo theo đơn hàng với các nhà máy tại quốc gia này sụt giảm. 

“Nếu các nhà máy dệt may phải đóng cửa, ngành này sẽ chết và tác động tới nền kinh tế sẽ rất lớn”, ông Qhesi nhận định.

"Đây là một ngày tồi tệ với chúng tôi", ông Teboho Kobeli, người sáng lập công ty sản xuất quần áo Afri-Expo Textiles ở Lesotho, chia sẻ với hãng tin BBC ngày 3/4, đề cập tới ngày chính quyền Trump công bố thuế quan đối ứng.

Vị doanh nhân đã dành cả ngày 3/4 để thảo luận với các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành và cơ quan chính phủ để xác định hành động ứng phó. Chính phủ Lesotho hiện chưa đưa ra động thái nào sau khi thuế quan của Mỹ được công bố.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Lesotho, ông Honourable Lejone Mpotjoana, nói rằng quốc gia hơn 2 triệu dân này đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi việc mất sự hỗ trợ tài chính từ USAID. Lesotho là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất thế giới và ngành y tế của quốc gia này phụ thuộc lớn vào viện trợ quốc tế.

Một quốc gia châu Phi khác là Madagascar cũng bị ông Trump áp thuế đối ứng cao là 47%, mức cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.

Capuchia, Việt Nam và Nicaragua - các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm hơn 25% GDP - cũng bị áp thuế quan cao, lần lượt là 49%, 46% và 18%.

Ở Lesotho, sự lạc quan vẫn xuất hiện sau tuyên bố thuế quan của Mỹ. Sekhoane Masokela, một người bán ngô ở Maseru, Sekhoane Masokela, cho rằng đây là lý do để Lesotho tìm kiếm các thị trường mới.

“Mỹ không phải là quốc gia duy nhất. Ông Trump đang cho chúng tôi cơ hội cắt đứt mối liên hệ với Mỹ và tìm kiếm các thị trường khác. Rõ ràng ông ấy không còn muốn giao thương với chúng tôi nữa”, Masokela nhận xét với Reuters.