09:55 12/12/2007

Trung Quốc cố chặn sốt giá tiêu dùng

Trung Việt

Trung Quốc sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế tăng giá tiêu dùng trong năm tới, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục tăng trưởng quá nóng

Giá cả tiêu dùng ở Trung Quốc năm nay đã tăng đột biến, với CPI lên tới 4,2% trong 3 quý đầu năm.
Giá cả tiêu dùng ở Trung Quốc năm nay đã tăng đột biến, với CPI lên tới 4,2% trong 3 quý đầu năm.
Trung Quốc sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế tăng giá tiêu dùng trong năm tới, trong bối cảnh nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng quá nóng và tỷ lệ lạm phát dự kiến tăng 4,5% trong năm nay và 4% vào năm tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về phát triển và cải cách thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Tốt Tỉnh Tuyền nhấn mạnh các biện pháp kiềm chế tăng giá trong năm tới, tại cuộc hội thảo về vật giá toàn quốc, tổ chức tại Bắc Kinh ngày 9/12.

Tăng cường giám sát và đẩy mạnh sản xuất

Ông Tốt Tỉnh Tuyền đã nêu rõ công tác vật giá năm tới sẽ bám sát nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là "ngăn ngừa kinh tế từ tăng trưởng quá nhanh chuyển sang tăng trưởng quá nóng, ngăn ngừa vật giá từ tăng lên có tính cơ cấu chuyển sang lạm phát rõ rệt" mà Hội nghị Kinh tế trung ương vừa xác định. Theo chủ trương đó, Trung Quốc sẽ khống chế không cho giá cả tăng quá nhanh, làm tốt công tác quản lý giá nông phẩm, nâng cao đáng kể giá sàn thu mua lương thực, xúc tiến cải cách giá cả các mặt hàng có tính tài nguyên và thu phí bảo vệ môi trường...

Các biện pháp cụ thể được nêu ra là tăng cường giám sát xu thế biến động giá cả thị trường trong và ngoài nước, kiện toàn cơ chế giám sát, dự báo và ứng phó về biến động giá cả, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông sản quan trọng, bảo đảm cung ứng, vận tải, điều phối hàng hóa, đồng thời điều chỉnh hợp lý giá những hàng hóa và dịch vụ quan trọng do Chính phủ quản lý.

Chính sách về giá điện, giá nước sẽ được hoàn thiện, theo đó sẽ tiếp tục áp dụng giá ưu đãi cho việc dùng điện, dùng khí sản xuất phân bón và vận tải đường sắt. Đối với những sản phẩm nông nghiệp mà giá thành tăng lên do ảnh hưởng của sự nâng giá xăng dầu, khí đốt và điện, sẽ tiến hành nâng mức bù trợ giá.

Đặc biệt, một cơ chế lâu dài để ổn định sản xuất thịt lợn sẽ được hoàn thiện. Chính sách miễn giảm thuế và phí vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và nghề phụ quan trọng sẽ tiếp tục được thực hiện. Các biện pháp cải cách về cơ chế giá y-dược cũng như quản lý việc thu phí giáo dục, quản lý giá nhà-đất sẽ được đẩy mạnh.

Sức ép tăng giá vẫn rất lớn

Kiềm chế tăng giá cũng là một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 5/12 vừa qua. Hội nghị xác định, yếu tố then chốt trong kiểm soát kinh tế vĩ mô năm 2008 là "kiểm soát tổng giá trị kinh tế, ổn định giá cả, điều chỉnh cơ cấu và thúc đẩy sự cân bằng".

Hội nghị cũng xác định Trung Quốc cần phải có những chi tiêu tài chính hợp lý nhằm thúc đẩy thay đổi cơ cấu; theo đó chi tiêu cho các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục và nhà ở sẽ được gia tăng đáng kể, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện hệ thống dự trữ, tăng cường khâu dự đoán, dự báo giá cả, kiểm soát chặt chẽ những biến động giá cả, tăng cường giám sát thị trường và xem xét trợ cấp cho những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định, nhiệm vụ kiềm chế tăng giá của Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong bối cảnh giá dầu, giá lương thực thế giới tiếp tục tăng cao và nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển quá nóng. Giá cả tiêu dùng ở Trung Quốc năm nay đã tăng đột biến, với chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) lên tới 4,2% trong 3 quý đầu năm. Nhóm hàng tăng giá mạnh nhất đẩy CPI lên cao là thực phẩm, nhất là giá thịt lợn.

Dự báo, xu hướng tăng giá tiêu dùng năm nay tiếp tục ảnh hưởng đến năm sau, cộng với khả năng lên giá các loại hàng thiết yếu trên thị trường thế giới và sự cải cách giá tài nguyên và cải cách chế độ thu phí bảo vệ môi trường trong nước, khiến sức ép tăng giá tổng thể ở Trung Quốc năm tới vẫn khá mạnh.

Theo "Sách Xanh kinh tế - 2008" mà Viện khoa học xã hội Trung Quốc vừa công bố, dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2008 tăng khoảng 11%, năm thứ 6 liên tiếp đạt mức tăng trưởng ở hai con số và chỉ giảm nhẹ so với mức tăng trưởng dự kiến 11,6% của năm nay.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chính sách điều tiết vĩ mô của nước này trong năm 2008 là giảm sức ép lạm phát và bình ổn giá cả. Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc-giáo sư Trần Giai Quý, cho rằng, mức tăng trưởng tốt nhất đối với Trung Quốc hiện nay là giảm xuống còn khoảng 9%.