17:36 12/03/2016

Trung Quốc định mở đường bay dân sự tại Hoàng Sa

Thăng Điệp

Mỹ nói việc bắt đầu những chuyến bay như vậy sẽ làm phức tạp thêm tranh chấp

Tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh cắt từ một đoạn video quay từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 21/5/2015 - Nguồn: Reuters.<br>
Tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh cắt từ một đoạn video quay từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 21/5/2015 - Nguồn: Reuters.<br>
Trung Quốc sẽ bắt đầu các chuyến bay dân sự tới và từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng một năm tới - hãng tin Reuters dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc ngày 11/3 cho biết.

Mỹ, quốc gia vốn lo ngại trước sự hung hăng của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nói việc bắt đầu những chuyến bay như vậy sẽ làm phức tạp thêm tranh chấp.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời ông Xiao Jie, người đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc thành lập trái phép ở Phú Lâm, nói hai tàu chở khách và một tàu hải cảnh hiện đang được sử dụng để làm trạm viễn thông di động cho đảo này.

Ông Xiao cũng kỳ vọng sân bay ở Tam Sa và một sân bay mới hơn mà Trung Quốc xây trái phép ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ tăng cường các dịch vụ giao thông hàng không trong khu vực, hỗ trợ hoạt động hàng hải, trinh sát, và cung cấp thông tin về thời tiết.

Phát ngôn viên Anna Richey-Allen của Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc mở những chuyến bay như vậy sẽ “không phù hợp với các cam kết của khu vực về kiềm chế, tránh có những hành động làm phức tạp tình hình hoặc đẩy căng thẳng leo thang”.

“Trung Quốc nên tuân thủ các cam kết công khai đã có của mình về dừng hoạt động bồi lấp và quân sự hóa trên Biển Đông, và tập trung vào việc đạt thỏa thuận về những hành vi được chấp nhận ở khu vực tranh chấp”, bà Richey-Allen nói.

Tháng 2 vừa qua, giới chức Mỹ nói rằng Trung Quốc gần đây đã triển khai tên lửa đất đối không ở Phú Lâm, đồng thời chỉ trích đây là một động thái đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh về không quân sự hóa trên Biển Đông.

Về phần mình, Trung Quốc nói nước này có quyền xây dựng “cơ sở phòng thủ giới hạn” trên lãnh thổ của mình, và phủ nhận những thông tin về triển khai tên lửa ở Phú Lâm, nói đó chỉ là sự “thổi phồng” của giới truyền thông. Bắc Kinh nói phần lớn cơ sở hạ tầng xây ở Phú Lâm chỉ đơn thuần là các cơ sở dân sự và sẽ đem lại lợi ích cho các quốc gia khác.

Các quan chức ngoại giao khu vực nói với Reuters rằng tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đáp máy bay chiến đấu được trang bị đầy đủ xuống một đường băng được mở rộng ở Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc đã hoàn thành nhà chứa máy bay chắc chắn ở Phú Lâm.