06:00 19/04/2021

Trung Quốc đột ngột "gom" hàng trăm tấn vàng

Diệp Vũ

Khoảng 150 tấn vàng, trị giá 8,5 tỷ USD, có thể đã được mua từ nước ngoài, bắt đầu được vận chuyển trong tháng 4 và có thể cập bến ở Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5

Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily.
Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily.

Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng trong nước và quốc tế nhập khẩu một khối lượng vàng lớn - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters. Đây có thể là nhân tố giúp hỗ trợ giá vàng quốc tế sau mấy tháng liên tiếp sụt giảm.

Trung Quốc vốn là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, gom mua hàng trăm tấn kim loại quý này, trị giá hàng chục tỷ USD, mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm ngoái, nhập khẩu vàng của Trung Quốc sụt mạnh do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ vàng của nước này tụt dốc.

Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi mạnh trong nửa sau năm 2020, nhu cầu vàng trang sức, vàng thỏi và tiền xu vàng của nước này cũng hồi theo. Từ chỗ thấp hơn giá vàng thế giới, giá vàng bán lẻ tại Trung Quốc dần chuyển sang cao hơn giá thế giới, khiến việc nhập khẩu vàng trở nên có lãi.

Hiện tại, giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 7-9 USD/oz. Mức chênh lẽ ra có thể tăng cao hơn nếu Trung Quốc không cho phép nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu.

Quy mô của đợt nhập khẩu vàng này là tín hiệu cho sự trở lại mạnh mẽ của Trung Quốc trên thị trường vàng toàn cầu. Từ tháng 2/2020 đến nay, nước này nhập khẩu vàng bình quân khoảng 600 triệu USD mỗi tháng, tương đương khoảng 10 tấn.

Nguồn tin nói rằng khoảng 150 tấn vàng, trị giá 8,5 tỷ USD, có thể đã được mua từ nước ngoài theo sự cho phép ở Bắc Kinh. Cũng theo nguồn tin, số vàng này bắt đầu được vận chuyển trong tháng 4 và có thể cập bến ở Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5.

Thông thường, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vàng từ Australia, Nam Phi và Thụy Sỹ.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) kiểm soát nhập khẩu vàng thông qua một hệ thống hạn ngạch (quota) cấp cho các ngân hàng thương mại. PBoC thường cho phép nhập khẩu vàng, nhưng đôi khi cũng hạn chế nếu cần.

"Đã có một thời gian chúng tôi không được cấp phép nhập khẩu vàng. Giờ thì chúng tôi đang được cấp… với khối lượng nhiều nhất kể từ năm 2019", nguồn tin từ một ngân hàng cho biết.

Quy mô của đợt nhập khẩu vàng này là tín hiệu cho sự trở lại mạnh mẽ của Trung Quốc trên thị trường vàng toàn cầu. Từ tháng 2/2020 đến nay, nước này nhập khẩu vàng bình quân khoảng 600 triệu USD mỗi tháng, tương đương khoảng 10 tấn - theo số liệu Hải quan.

Năm 2019, giá trị nhập khẩu vàng của Trung Quốc đạt khoảng 3,5 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 75 tấn.

Sự vắng mặt của Trung Quốc trên thị trường quốc tế ở thời điểm đầu đại dịch Covid-19 không tạo ra nhiều khác biệt. Khi đó, các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt mua vàng để phòng ngừa rủi ro kinh tế, đẩy giá vàng lên mức kỷ lục mọi thời đại 2.072,5 USD/oz vào tháng 8 năm ngoái.

Trung Quốc và Ấn Độ thường chiếm khoảng 2/5 nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm của thế giới.

Khi chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid và nỗ lực kích cầu của các chính phủ đưa kinh tế toàn cầu hồi phục, vai trò "vịnh tránh bão" của vàng suy giảm và giá kim loại quý này gần đây có lúc trượt sâu dưới 1.700 USD/oz. Cùng với đợt nhập khẩu vàng này của Trung Quốc, đồng USD trượt giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm suy giảm là những động lực chính để giá vàng hồi về vùng 1.750 USD/oz hiện nay.

Nhu cầu vàng của Ấn Độ cũng đa hồi phục sau đợt sụt giảm vì đại dịch. Trong tháng 3, Ấn Độ nhập khẩu kỷ lục 160 tấn vàng - nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ nói với Reuters.

Trung Quốc và Ấn Độ thường chiếm khoảng 2/5 nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm của thế giới. Sự hồi phục nhu cầu vàng của hai nước này "giữ vai trò rất qua trọng trong việc hỗ trợ giá vàng" và có thể ngăn nguy cơ mất giá của vàng trong những tháng sắp tới - theo nhà phân tích Suki Cooper thuộc Standard Chartered.

Chuyên gia Philip Klapwijk thuộc công ty tư vấn Precious Metals Insights ở Hồng Kông nói rằng nhu cầu nữ trang ở Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán hồi tháng 2 năm nay mạnh mẽ hơn trong năm 2019 và 2020, nên các công ty sản xuất và bán lẻ nữ trang cần làm đầy kho dự trữ. "Sự phục hồi nhu cầu vàng khá tốt trong năm nay sẽ buộc Trung Quốc phải nhập vàng nhiều hơn so với năm 2020", ông Klapwijk nói.