Trung Quốc mở đợt quảng bá mạnh về sáng kiến Vành đai và Con đường
Đợt quảng bá được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Malaysia hủy ba dự án trị giá nhiều tỷ USD do Bắc Kinh hỗ trợ
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang mở một đợt quảng bá mạnh về sáng kiến Vành đai và Con đường (One Belt, One Road) của nước này, chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Malaysia hủy ba dự án trị giá nhiều tỷ USD do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Trong một bài viết lớn đăng hôm Chủ nhật, hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói sáng kiến Vành đai và Con đường đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi, đồng thời miêu tả đây là một sáng kiến sẽ giúp "hợp nhất giấc mơ của mỗi quốc gia và người dân của nước đó".
Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình khởi xướng cách đây 5 năm, Vành đai và Con đường là một chuỗi lớn các dự án hạ tầng kết nối từ châu Á sang châu Âu và tới châu Phi.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường khởi nguồn từ Trung Quốc, nhưng thuộc về thế giới", bài báo viết. "Trong 5 năm qua, sáng kiến đã chuyển từ đề xuất thành hành động cụ thể, biến các ý tưởng thành thực tiễn, và ngày nay đã trở thành nền tảng hợp tác quốc tế lớn nhất, và là sản phẩm của khu vực nhà nước được quốc tế ủng hộ nhiều nhất".
Ngoài ra, Tân Hoa Xã còn có một bài bình luận nói về "sự công nhận rộng rãi rằng sáng kiến Vành đai và Con đường đã thắp sáng ước mơ của hàng triệu người". Một bài viết khác của hãng thông tấn này ca ngợi việc mở rộng dịch vụ đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu là một "đoàn lạc đà bằng sắt thép" trên con đường tơ lụa.
Những bài viết này được truyền thông Trung Quốc đăng tải sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuần trước tuyên bố hủy dự án đường sắt East Coast Rail Link trị giá 20 tỷ USD và dự án hai đường ống dẫn nhiên liệu trị giá 2 tỷ USD. Đây đều là các dự án do Trung Quốc cấp vốn và xây dựng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, bị Malaysia hủy với lý do nhằm hạn chế vay nợ.
Quyết định hủy các dự án trên được ông Mahathir đưa ra ngay trước khi có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Malaysia hồi tháng 5.
Việc hủy các dự án trên còn diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại gia tăng về việc Bắc Kinh dùng sáng kiến Vành đai và Con đường để gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia tham gia sáng kiến.
Những mối lo về "ngoại giao bẫy nợ" ngày càng lớn sau khi Sri Lanka vào tháng 12 năm ngoái mất quyền kiểm soát một cảng biển nước sâu trị giá 1,5 tỷ USD vào tay một công ty quốc doanh Trung Quốc, sau khi Chính phủ Sri Lanka không trả được nợ vay cho dự án này.
Hồi tháng 4, nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Vành đai và Con đường gây tổn hại cho tự do thương mại, tạo lợi thế bất bình đẳng cho các công ty Trung Quốc và có mục đích chính trị.
Bắc Kinh một mực bác bỏ những cáo buộc này. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mông Cổ Damdin Tsogtbaatar vào thứ Năm tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Vành đai và Con đường "không phải là một ý tưởng địa chiến lược" mà là một kế hoạch chung của các quốc gia, tập trung vào các dự án minh bạch, chất lượng cao, có sự bền vững về tài chính.
"Vành đai và Con đường phù hợp với xu hướng lịch sử, tràn đầy sức sống và năng lượng, và do đó nhanh chóng nhận được sự ủng hộ trên toàn thế giới", ông Vương Nghị nói.
Bài báo của Tân Hoa Xã nói đến nay 88 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận hợp tác trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo bài báo, trong năm 2017, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước trên tuyến thương mại này chiếm 40% tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Bài báo cũng nói rằng, đến năm 2017 mới chỉ có 23,6% tổ chức truyền thông nước ngoài và người sử dụng Internet ở các quốc gia trong sáng kiến Vành đai và Con đường có quan điểm tích cực về sáng kiến này, nhưng tỷ lệ đó đã tăng so với mức 16,5% vào năm 2013.