15:24 06/07/2009

Trung Quốc rục rịch dùng Nhân dân tệ cho xuất nhập khẩu

Kiều Oanh

Một số công ty Trung Quốc đã lần đầu tiên nhất trí giao dịch xuất nhập khẩu bằng đồng Nhân dân tệ thay vì USD

 Kể từ khi đồng Nhân dân tệ được "tháo neo" khỏi USD vào năm 2005 tới nay, đồng tiền này đã lên giá 21% so với USD.
Kể từ khi đồng Nhân dân tệ được "tháo neo" khỏi USD vào năm 2005 tới nay, đồng tiền này đã lên giá 21% so với USD.
Một số công ty Trung Quốc đã lần đầu tiên nhất trí giao dịch xuất nhập khẩu bằng đồng Nhân dân tệ thay vì USD.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực giảm vai trò của đồng USD trong giao dịch thương mại toàn cầu.

Theo thông tin từ các nhà chức trách Thượng Hải, ba doanh nghiệp có tên Shanghai Silk Group, Shanghai Electric Group Co. và Shanghai Huanyu Import & Export Co. của thành phố này đã ký kết hợp đồng tổng trị giá 14 triệu Nhân dân tệ, tương đương 2 triệu USD, với các khách hàng ở Hồng Kông và Indonesia. Các ngân hàng Bank of Communications Co. và Bank of China Ltd. sẽ cấp vốn cho các giao dịch này.

Ngày 2/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cho phép các công ty có mức tín nhiệm tốt ở Thượng Hải và 4 thành phố ở tỉnh Quảng Đông được dùng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch với các đối tác ở Hồng Kông, Macau và các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trước đó, trong các giao dịch thương mại quốc tế ở bên ngoài các khu thương mại biên giới đặc biệt, các công ty Trung Quốc phải đổi đồng Nhân dân tệ sang USD hoặc các đồng tiền khác để thanh toán.

“Chương trình dùng Nhân dân tệ để thanh toán sẽ giúp tăng cường hoạt động thương mại song phương với Hồng Kông và các nước ASEAN. Đồng Nhân dân tệ có tỷ giá tương đối ổn định với các đồng tiền chủ chốt khác. Một đồng Nhân dân tệ ổn định sẽ giúp các công ty kiểm soát được rủi ro tỷ giá”, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Su Ning phát biểu.

Trong mấy ngày gần đây, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã liên tiếp lên tiếng cho rằng, kinh tế thế giới đang quá phụ thuộc vào đồng USD. Ông Suresh Tendulkar, một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ngày 3/7 vừa qua phát biểu rằng, ông đang thúc giục Ấn Độ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối thay vì tập trung nắm giữ đồng USD. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trả lời phỏng vấn báo chí cũng nhận định, hệ thống dự trữ bằng đồng USD “có tì vết”.

Những tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 diễn ra tại Italy vào tuần này. Dự kiến, trong hội nghị này, các nhà lãnh đạo của G-8 sẽ bàn về vai trò của USD ở địa vị đồng tiền dự trữ của thế giới.

Việc các công ty của Trung Quốc bắt đầu sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch xuất nhập khẩu và Chính phủ Trung Quốc bán trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài thời gian qua là nhằm mục đích tăng sức hấp dẫn nắm giữ đồng tiền này đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới. “Đây là bước đi đầu tiên trên một con đường dài tiến tới mục tiêu biến đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Mục tiêu này có thể mất 5 năm hoặc hơn để trở thành hiện thực”, ông Nizam Idris, một chiến lược gia tại thị trường Singapore của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, nhận định.

Kể từ khi đồng Nhân dân tệ được "tháo neo" khỏi USD vào năm 2005 tới nay, đồng tiền này đã lên giá 21% so với USD. Trong vòng 1 năm trở lại đây, Trung Quốc hạn chế sự lên giá của đồng Nhân dân tệ so với USD để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu.

Thách thức đối với USD - đồng tiền đã đóng vai trò là phương tiện thanh toán chủ đạo trong hoạt động tài chính và thương mại toàn cầu từ năm 1945 tới nay - phản ánh sự dịch chuyển của quyền lực kinh tế về phía những thị trường đang nổi lên, thay vì chỉ tập trung vào những nền kinh tế phát triển, nơi bắt nguồn của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, dù tỏ ra lo ngại sâu sắc về vai trò của đồng USD, các thị trường đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào đồng tiền này. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào ngày 30/6 vừa qua, tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối của thế giới đã tăng lên mức 65%, tương đương 2,6 nghìn tỷ USD, trong 3 tháng đầu năm nay, cao nhất kể từ năm 2007.

(Theo Bloomberg)