Trước ngày đàm phán Mỹ-Trung: Chuyên gia lo ngại, Trung Quốc cứng rắn
Truyền thông Trung Quốc cho biết nước này đặt kỳ vọng thấp vào khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận trong vòng đàm phán tuần này
Những hành động mới nhất của Mỹ nhằm vào Trung Quốc không "tạo ra điều kiện tốt" cho vòng đàm phán thương mại cấp cao sắp diễn ra giữa hai nước - một cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhận định với hãng tin CNBC. Về phần mình, Trung Quốc tỏ quan điểm cứng rắn, cho thấy không sẵn sàng nhượng bộ Mỹ.
Ngày 8/10, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp hạn chế thị thực (visa) đối với một loạt quan chức Trung Quốc mà Mỹ cho là có hành vi vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương. Hôm 7/10, Trung Quốc đưa vào "danh sách đen" thương mại 28 cơ quan và danh nghiệp Trung Quốc, cũng với lý do tương tự.
Hai động thái trên diễn ra chỉ vài ngày trước vòng đàm phán cấp cao về thương mại giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này.
Chuyên gia Mỹ cảnh báo
"Không ai lại làm những việc như vậy trước khi đàm phán. Về mặt chiến thuật, việc đó không tạo ra điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Về mặt chiến lược, tôi cho rằng tất cả những hành động này khiến Trung Quốc đặt câu hỏi: ‘Động cơ thực sự của Mỹ ở đây là gì?’", ông Max Baucus, người từng giữ cương vị đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ tháng 2/2014 đến tháng 1/2017, phát biểu.
Ông Baucus, người cũng là một cựu Thượng nghị sỹ Dân chủ từ bang Montana, nói rằng hành động của chính quyền ông Trump có thể nhằm mục đích giành một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "Trung Quốc sẽ không khuất phục".
Ông William Reinsch, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng vấn đề Hồng Kông là một yếu tố khác có thể cản trở đàm phán thương mại Mỹ-Trung, đặc biệt nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp mạnh tay với người biểu tình Hồng Kông.
"Tôi cho rằng nếu điều đó xảy ra, sẽ rất khó để Mỹ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc. Nhưng đến giờ, điều đó vẫn chưa xảy ra, và tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra", ông Reinsch phát biểu.
Theo ông Baucus, biểu tình ở Hồng Kông có thể leo thang cao hơn và khiến Bắc kinh tính đến "hành động quyết liệt". "Hồng Kông đã thay đổi… Hồng Kông sẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa", ông nói.
Vị cựu đại sứ cho rằng nếu tình hình Hồng Kông căng thẳng hơn, "sẽ đến lúc Bắc Kinh phải có hành động mạnh tay để lập lại trật tự. Bắc Kinh sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để duy trì kiểm soát Hồng Kông".
Trung Quốc cứng rắn
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 9/10 cho biết nước này đặt kỳ vọng thấp vào khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận trong vòng đàm phán tuần này.
"Rõ ràng, còn nhiều khác biệt về thương mại giữa hai nước. Quan điểm của Mỹ thiếu chân thành, lĩnh vực xung đột đang trở nên rộng hơn, và sự mất niềm tin chiến lược lẫn nhau đang gia tăng", bài báo viết. "Mỹ luôn nhấn mạnh thế mạnh của họ, nhưng vấn đề là lợi thế thực sự của nước Mỹ không thể hỗ trợ cho những yêu cầu mà họ đưa ra với Trung Quốc, mà dường như Washington không hiểu điều này".
Theo Thời báo Hoàn cầu, việc Mỹ đặt ra các hạn chế với cơ quan, quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc dựa trên vấn đề Tân Cương là một chiến thuật cũ kỹ nhằm gây áp lực tối đa trước đàm phán. Bài báo nói cách làm này sẽ không có ảnh hưởng gì đến trọng tâm và ý chí của Trung Quốc trong đàm phán.
"Trung Quốc đã chứng kiến nhiều con bài của Mỹ. Việc Mỹ muốn dùng một lá bài mới để gây bất ngờ cho Trung Quốc là hoàn toàn phi thực tế", bài báo có đoạn. "Cho dù Mỹ có tìm cách gì để mặc cả trong thương chiến, Trung Quốc đều sẵn sàng ứng phó".
"Tôi cảm thấy rằng xã hội Trung Quốc đặt kỳ vọng thấp về một cú đột phá thực sự trong vòng đàm phán thương mại sắp tới. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng thương chiến và đàm phán thương mại dã trở thành một điều bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, viết trên Twitter ngày 8/10.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
"Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Mỹ dừng ngay việc đưa ra những đánh giá thiếu trách nhiệm về vấn đề Tân Cương", "dừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và đưa ngay các thực thể Trung Quốc khỏi Danh sách Thực thể", một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc có đoạn. "Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình".