Truyền thông Trung Quốc: Mỹ dỡ thuế quan thì mới có thỏa thuận
Ưu tiên cao nhất của Trung Quốc trong bất kỳ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nào với Mỹ cũng là Washington dỡ thuế quan
Ưu tiên cao nhất của Trung Quốc trong bất kỳ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nào với Mỹ cũng là Washington dỡ thuế quan trừng phạt đang áp lên hàng hóa Trung Quốc - tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết ngày 1/11.
Yêu cầu này được nêu rõ trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu băn khoăn về việc liệu Mỹ-Trung có thể chốt được một thỏa thuận để xuống thang cuộc chiến thương mại gây nhiều thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế trong suốt một năm rưỡi qua.
"Các nguồn thạo tin tiết lộ với Thời báo Hoàn cầu vào ngày thứ Bảy rằng thỏa thuận phải bao gồm nội dung Mỹ dỡ thuế quan hiện tại và không lên kế hoạch áp thêm thuế quan mới", bài báo viết.
Bài báo cũng dẫn nguồn tin không tiết lộ danh tính nói rằng giới chức Mỹ không muốn chấp nhận yêu cầu đó của Trung Quốc vì thuế quan là vũ khí duy nhất của Washington trong thương chiến và việc từ bỏ vũ khí đó đồng nghĩa "đầu hàng".
Theo kế hoạch, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế quan bổ sung 15% lên khoảng 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12. Giới quan sát kỳ vọng rằng kế hoạch áp thuế này sẽ bị hủy nếu Mỹ-Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1 trước 15/12. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm Mỹ phải dỡ thuế quan đã áp trước đây.
Hôm thứ Ba tuần trước, ông Trump tuyên bố Washington đang hoàn tất "những khâu cuối cùng" để đi đến một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Trước đó chỉ vài ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn hai bên sớm đạt thỏa thuận. Các nhà đàm phán cấp cao nhất hai nước tiếp tục điện đàm và nhất trí giải quyết xong xuôi những vấn đề còn vướng mắc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia thương mại và các nguồn tin gần cận với Nhà Trắng vào tháng trước tiết lộ với Reuters rằng việc ký kết một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ với Trung Quốc có thể bị đẩy lùi sang năm 2020, nguyên do là Bắc Kinh đòi hỏi việc dỡ thuế trên diện rộng. Ban đầu, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ được ký vào cuối tháng 11.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ Chuck Grassley nói với giới truyền thông rằng Trung Quốc đã mời hai nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ là Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin tới đàm phán trực tiếp ở Bắc Kinh.
Cũng theo ông Grassley, ông Lighthizer và ông Mnuchin sẵn sàng lên đường nếu họ nhận thấy "một cơ hội thực sự cho việc đạt thỏa thuận."