Tỷ phú Bernard Arnault dự định tập trung nhiều hơn vào thị trường Hàn Quốc
Bernard Arnault, Chủ tịch của tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đã đến Hàn Quốc ngày 20/3 vừa qua trong chuyến thăm ba ngày để kiểm tra thị trường hàng xa xỉ của khu vực được dự đoán sẽ vượt quá 9 nghìn tỷ won (6,9 tỷ USD) vào năm 2024…
Chủ tịch Bernard Arnault đi cùng với cô con gái lớn Delphine Arnault – hiện là Giám đốc điều hành của Christian Dior và con trai thứ hai của ông, Alexandre Arnault, Giám đốc điều hành của Tiffany & Co. Vào ngày đến, ông Arnault đã đến thăm Avenuel, một chi nhánh thương hiệu cao cấp của Cửa hàng bách hóa Lotte và cửa hàng miễn thuế. Ông đã tham quan cùng với Giám đốc điều hành Lotte Department Store Jung Joon-ho và các nhà điều hành của LVMH và Lotte Shopping Co.
Chủ tịch LVMH sau đó đến thăm chi nhánh chính của Shinsegae Department Store và các cửa hàng trực thuộc thương hiệu LVMH, bao gồm cả Louis Vuitton, cửa hàng pop-up của Dior ở Seongsu-dong, phía đông Seoul. Ngoài ra, Arnault cũng đến thăm Hội trường sang trọng Galleria ở Apgujeong-dong, phía nam Seoul và gặp Giám đốc điều hành của Phòng trưng bày Hanwha Kim Eun-soo, cũng như tham quan Shinsegae Duty Free bên trong cửa hàng bách hóa.
Theo tờ Korea Times, trong phần còn lại của chuyến đi, ông Arnault đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong ngành bán lẻ và phân phối để thảo luận về cách thức giúp các thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH tiến vào thị trường Hàn Quốc, trong đó có cả các thương hiệu khách sạn. Tập đoàn LVMH hiện sở hữu ba thương hiệu khách sạn là Bulgari, Belmond và Cheval Blanc. Thương hiệu khách sạn được nhắc đến lần này là Cheval Blanc nằm bên bờ sông Seine ở Paris.Các phòng rẻ nhất của khách sạn có giá 2,6 triệu won (1.989 USD) mỗi đêm và các dãy phòng 11 triệu won.
Tập đoàn LVMH hiện coi hoạt động kinh doanh khách sạn của mình là động lực tăng trưởng mới. Các công ty mà ông Arnault đã liên hệ trong chuyến thăm - Lotte Department Store, Shinsegae Department Store, Hotel Shilla Co. và Galleria Department Store - đều kinh doanh khách sạn. LVMH dự kiến sẽ khám phá nhiều cách khác nhau để thâm nhập vào ngành khách sạn cao cấp của Hàn Quốc, từ cho thuê thương hiệu đến đầu tư chung.
Đối với các cuộc họp trong tương lai với Shinsegae Group và Hotel Shilla, những người theo dõi thị trường cho biết Arnault có thể sẽ thảo luận thêm về hướng kinh doanh hàng miễn thuế của LVMH tại Hàn Quốc. Ngoài ra, những người theo dõi thị trường cho biết với chuyến thăm này, Arnault cũng đang lên kế hoạch xem xét các kế hoạch đã thực hiện cho buổi trình diễn thời trang Louis Vuitton đầu tiên của Hàn Quốc dự kiến được tổ chức tại Seoul vào tháng tới.
Được biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của Arnault sau hơn ba năm gián đoạn bởi Covid-19. Chuyến thăm cuối cùng của vị tỷ phú này là vào tháng 10/2019. Những người trong ngành lưu ý, rằng chuyến thăm của Arnault diễn ra khi ông dự định tập trung nhiều hơn vào Hàn Quốc, thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 10 thế giới được dự đoán sẽ vượt quá 9 nghìn tỷ won vào năm 2024. Doanh thu của Louis Vuitton Korea đã đạt 1,5 nghìn tỷ won vào năm 2021.
Năm vừa qua, các thương hiệu cao cấp tại Hàn Quốc đều ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh. Trong đó, Moncler cho biết doanh thu công ty đã tăng gấp đôi trong quý 2 so với thời kỳ trước đại dịch. Tập đoàn Richemont (chủ sở hữu của Cartier) nhận định, Hàn Quốc là một trong những khu vực có doanh số bán hàng tăng trưởng hai chữ số vào năm 2022. Trong khi lệnh đóng cửa của Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề tới doanh số của Prada tại quốc gia này thì ở Hàn Quốc, hiệu suất được tăng lên đáng kể.
Theo Tatler Asia, trong những năm gần đây, sức ảnh hưởng của K-Pop đã vượt qua biên giới Hàn Quốc, trở thành hiện tượng quốc tế và định hình văn hóa đại chúng. Các nhóm nhạc thần tượng như BTS và BlackPink thu hút số lượng lớn người theo dõi trên toàn cầu. Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, thần tượng K-Pop còn lấn sân sang ngành công nghiệp thời trang. Từ đầu năm 2023 đến nay, 8 ngôi sao K-Pop đã trở thành đại sứ của các nhãn hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Dior và Fendi.
Các chuyên gia cũng cho rằng có một lý do lớn khác khiến LVMH để ý đến Hàn Quốc, đó là quốc gia này là cửa ngõ vào châu Á. "Nếu bạn có chỗ đứng tại Hàn Quốc, bạn sẽ sớm có thị trường Đông Bắc Á," Jacob Cooke, giám đốc điều hành của WPIC, một công ty tư vấn thương mại điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với WWD. Còn theo David Dubois, giáo sư tiếp thị tại INSEAD, Hàn Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu xu hướng thời trang tại châu Á. Việc LVMH lựa chọn các idol K-Pop đã cho thấy động thái mạnh mẽ của họ. Tập đoàn này sẽ có một chiến lược dài hạn để "thiết lập dấu ấn lâu dài" tại thị trường xứ sở kim chi.
Theo The Financial Times, năm 2023, tổng sản phẩm nội địa GDP của châu Á được kì vọng sẽ tăng từ 33 ngàn tỷ USD lên 39 ngàn tỷ USD. Điều này cho thấy châu Á đang là vùng lãnh thổ có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất hiện nay, vượt trên cả châu Âu và châu Mỹ. Khi mức tăng trưởng kinh tế chung tăng lên cũng có nghĩa rằng thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng, từ đó tạo ra một thị trường khách hàng mục tiêu tiềm năng có khả năng chi trả lớn cho các mặt hàng và lưu trú cao cấp.
Cũng theo báo cáo doanh số thường niên năm 2021 của LVMH, doanh thu tại khu vực châu Á đã chiếm tới 35% tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn. Năm 2022, chịu ảnh hưởng bởi phong tỏa khu vực và kiểm dịch ở Trung Quốc, doanh thu tự nhiên của LVMH ở châu Á đã giảm 8% trong quý 4 và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Bernard Arnault, nói rằng ông “khá tự tin” về năm 2023 và sự tăng trưởng tại châu Á kết quả tất nhiên của một quá trình nỗ lực chuyển đổi trọng tâm kinh doanh nói chung của thời trang xa xỉ suốt một thập niên qua: duy trì thị phần tại các thị trường cố hữu như châu Âu, châu Mỹ và đầu tư nguồn lực giành lấy thị phần tại các nước Á châu.