Tỷ phú ôtô Trung Quốc muốn phát triển tàu siêu thanh
Mục tiêu của tỷ phú này là phát triển loại tàu vượt xa tốc độ tối đa 2.170 km/h của máy bay Concorde
Tỷ phú Trung Quốc Li Shufu đã dành một thập kỷ qua để mở rộng đế chế ôtô của mình bằng việc mua Volvo, thâu tóm cổ phần tại Daimler AG và một startup đang phát triển xe bay. Giờ đây, ông muốn phát triển phương tiện giao thông thế hệ kế tiếp - tàu siêu thanh.
Theo Bloomberg, Zhejiang Geely Holding Group của Li Shufu ngày 6/11 đã ký hợp đồng với công ty nhà nước China Aerospace Science & Industry Corp. (CASIC) để chế tạo tàu siêu thanh với công nghệ trong nước. Theo hợp đồng, cả hai công ty sẽ sử dụng nguồn lực của mình để phát triển công nghệ và phương tiện giao thông thế hệ kế tiếp.
"Công nghệ cốt lõi không phải là thứ có thể mua được", ông Li nói tại một triển lãm hàng không ở thành phố Chu Hải, Trung Quốc. "Càng sử dụng nhiều công nghệ của người khác, bạn sẽ càng trở nên phụ thuộc. Chúng ta phải tự mình đổi mới. Hành trình này sẽ khó khăn nhưng hứa hẹn đầy triển vọng".
Năm ngoái, CASIC cho biết sẽ nghiên cứu phát triển tàu bay siêu cao tốc với việc kết hợp công nghệ đệm từ và ống chân không. Tàu này có thể vượt xa tốc độ tối đa 2.170 km/h của máy bay Concorde. Dù ý tưởng này vấp phải nhiều hoài nghi, Gao Hongwei -chủ tịch CASIC cho biết đang hướng tới một hệ thống tàu giúp di chuyển từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới Paris (Pháp) chỉ trong 3 giờ.
Hiện nay, nhiều tỷ phú như Elon Musk hay Richard Branson cũng có ý tưởng về tàu siêu tốc nhưng cả hai chỉ đặt mục tiêu tốc độ tối đa là 1.207 km/h. Kể từ khi Elon Musk đưa ra ý tưởng đầu tiên về tàu chạy trong ống áp suất thấp 5 năm trước, hàng loạt công ty đã rót tiền đầu tư phát triển công nghệ này.
Ngoài thỏa thuận trên, tỷ phú Li Shufu đang mở rộng đế chế ôtô của mình sang nhiều lĩnh vực từ vệ tinh cho đến siêu chíp dùng trong ôtô và xe bay. Năm ngoái, công ty của ông tuyên bố mua lại Terrafugia Inc. - công ty Mỹ đang phát triển xe bay và có mục tiêu thương mại hóa phương tiện này vào năm 2019. Terrafugia Inc được thành lập bởi 5 cựu sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts và cũng đặt mục tiêu bắt đầu giao ôtô bay cất/hạ cánh theo chiều thẳng đứng vào năm 2023.
Năm 2010, công ty của Li Shufu cũng mua lại nhà sản xuất ôtô Thụy Điển Volvo và hiện là cổ đông lớn của hãng xe Đức Daimler sau thương vụ gần 10 tỷ USD hồi đầu năm nay.