“Ứ máu” ngoại tệ
Tỷ giá hối đoái vẫn chưa có được “những giây phút bình yên” trở lại như lãi suất tiền đồng. Vì sao?
Các ngân hàng thương mại đang cảm thấy dễ thở hơn khi cuối cùng lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã trở về mức 6,5%/năm.
Sau khi không ít ngân hàng cổ phần tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng, vốn huy động đã tăng. Cùng lúc một khối lượng đáng kể, khoảng 5.000 tỉ đồng, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác mà ngân hàng đang nắm giữ sắp sửa đáo hạn. Cung tiền đồng sẽ không còn khó khăn như tháng 11/2007. Nhưng tỷ giá hối đoái vẫn chưa có được “những giây phút bình yên” trở lại như lãi suất tiền đồng. Vì sao?
Mua ngoại tệ thấp hơn tỷ giá niêm yết
Nhập siêu của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã vượt 10 tỉ đô la Mỹ và chưa dừng lại khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng như một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang tăng mạnh vào những tuần cuối năm. Nhu cầu ngoại tệ gia tăng từ các nhà nhập khẩu đã giúp các ngân hàng cân đối phần nào lượng ngoại tệ mua vào.
Tuy nhiên các ngân hàng vẫn không dám mở vòng tay rộng hơn đón luồng ngoại tệ vì trạng thái ngoại hối dư thừa không còn nhiều và vì tỷ giá chính thức đang giảm, càng mua càng lỗ.
Giá bán ngoại tệ của ngân hàng cho các nhà nhập khẩu đúng bằng giá niêm yết (16.035 đồng/đô la Mỹ - tỷ giá ngày 15/12/2007 sau khi đã giảm hết biên độ cho phép là cộng trừ 0,5%), nhưng giá mua đô la từ doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết thấp hơn giá niêm yết 10 đồng/đô la Mỹ.
Để hạch toán khoản chênh lệch này của tỷ giá, các ngân hàng đưa vào hình thức mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, nâng phí giao dịch. Giám đốc một ngân hàng nói: “Mười đồng/đô la Mỹ còn là mức chấp nhận được. Tôi e càng về cuối năm, mức chênh lệch càng cao hơn”.
Theo khảo sát của chúng tôi, vào tuần thứ ba của tháng 11/2007, khi tiền đồng quá khan hiếm, một số ngân hàng thậm chí đã mua ngoại tệ thấp hơn tới 80 đồng/đô la Mỹ so với giá niêm yết.
Không ít công ty xuất khẩu đã phải “cắn răng” bán ngoại tệ với mức chênh lệch trên vì thiếu tiền đồng. Ngân hàng cũng ở vào thế “quay đi mắc núi, trở lại mắc sông” vì mua ngoại tệ là lỗ, còn không mua thì mất khách hàng.
Ngoại tệ đang ứ đọng trên thị trường. Nói chính xác là ứ đọng trên tài khoản của các nhà xuất khẩu, của đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại. Nguyên nhân chính là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua nhỏ giọt và có ngày ngưng mua đô la Mỹ. Một ngân hàng nói họ đăng ký bán 10 triệu đô la Mỹ/ngày, Ngân hàng Nhà nước giải quyết mua cho 500.000 - 600.000 đô la/ngày. Ngân hàng khác đăng ký bán nhiều hơn, được linh động mua 1 triệu đô la Mỹ.
Cung ngoại tệ giống như quả bóng đang được bơm căng và ngày càng căng, nhưng chưa có những lỗ thủng xì hơi! Bây giờ Ngân hàng Nhà nước châm đâu, nó sẽ xì hơi ở đó, còn không, nó sẽ căng mãi và khi sức chịu đựng đã hết, quả bóng không thể không nổ!
Ra rìa dự trữ bắt buộc
Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ tối đa để giảm lượng tiền đồng đưa ra lưu thông, kiềm chế lạm phát. Tín hiệu ấy đã được phát đi rõ ràng từ mấy tháng nay. Tuy nhiên động thái một chiều đó đang làm mất cân đối nghiêm trọng cung cầu tiền tệ và cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô. Sự lúng túng thể hiện ở chỗ Ngân hàng Nhà nước đã không sử dụng một cách nhịp nhàng các công cụ sẵn có trong tay để điều hòa thị trường.
Hai kênh để hút tiền về hiệu quả nhất là thị trường mở và dự trữ bắt buộc đều đang uể oải (chưa kể kênh trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính điều hành). Đáng ngạc nhiên là từ đầu năm đến nay, dự trữ bắt buộc mới chỉ tăng một lần và đang ở mức 10% tổng vốn huy động (Trung Quốc năm nay đã tăng dự trữ bắt buộc 10 lần dù lạm phát đang thấp hơn Việt Nam, 6,9%).
Tăng dự trữ bắt buộc đang trở nên cấp bách khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang quá nóng, tới 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi dự trữ bắt buộc tăng lên. Vậy liệu Ngân hàng Nhà nước có thể bù đắp bằng cách trả lãi suất ở mức nhất định cho khoản dự trữ bắt buộc tăng thêm này?
Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước đang kinh doanh có lời, và theo một nguồn tin đáng tin cậy, mức lời của năm nay lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Chỉ cần một phần của số này dành bù đắp lãi suất cho dự trữ bắt buộc, một lượng tiền đáng kể sẽ được hút về từ lưu thông.
Câu hỏi mà cả thị trường đang ngóng chờ trả lời bây giờ là Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách mua nhỏ giọt ngoại tệ đến bao giờ? Có những dự đoán hết tháng 12/2007, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ mua tiếp ngoại tệ như đã làm năm ngoái. Nhưng cũng có ý kiến đoán chắc việc ngưng hoặc mua cầm chừng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài.
Những ý tưởng bị lãng quên
Một năm sau ngày gia nhập WTO, Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn và độ hấp dẫn vẫn đang tăng lên, vốn ngoại cả trực tiếp lẫn gián tiếp sẽ còn chảy vào. Ngoại tệ là nguồn lực mạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiện nay và những năm sau. Có nên chăng nói rằng chúng ta đang thừa ngoại tệ và Ngân hàng Nhà nước không mua vào?
Ở góc độ tăng trưởng kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ và để ngoại tệ trôi nổi trên thị trường, “chết chìm” trong tài khoản ngân hàng là không chấp nhận được. Đưa tiền ra mua đô la nhằm tăng dự trữ ngoại hối, sử dụng linh hoạt các kênh khác đưa tiền về, thậm chí chấp nhận một phần lạm phát, là sự đánh đổi xác đáng cho nền kinh tế đi lên.
Mặt khác, khi ngoại tệ đang dồn đọng, cơ thể đang ứ máu, đã đến lúc phải mở cửa cho người dân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Trong Pháp lệnh ngoại hối ban hành ngày 28/12/2005, có hiệu lực đầu năm 2006, đã manh nha ý tưởng cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nội địa chảy ra ngoài, theo đó người dân Việt Nam có thể mua chứng khoán nước ngoài, kinh doanh ở nước ngoài. Đóng cửa ngoại tệ trong nước là ngủ quên trên ý tưởng đó. Cái cần hiện nay là tạo một hành lang pháp lý cho đầu tư Việt Nam ra nước ngoài!
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước khi trả lời các định chế tài chính quốc tế đã nói việc khách hàng cá nhân chuyển tiền ra do các ngân hàng tự quy định. Sự đổ thừa ấy nghe ra không phù hợp, vì ngân hàng nào dám làm chuyện đó một khi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn?
Trở lại câu hỏi Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì với dòng vốn ngoại tệ đang vào, có thể thấy sự thụ động có lợi cho cơ quan quản lý. Khi dự trữ bắt buộc bị gạt ra lề, khi thị trường mở và phát hành trái phiếu không được điều hành hợp lý để đưa lại hiệu quả mong muốn, ngưng mua ngoại tệ là động thái dễ nhất để thực hiện. Hậu quả trước mắt là ngân hàng và doanh nghiệp khó khăn.
Về lâu dài, khi chính sách ngưng mua ngoại tệ tiếp tục, khả năng đồng Việt Nam lên giá là điều không còn phải bàn luận. Điều này liệu có thúc đẩy xuất khẩu? Hơn nữa, tiền đồng càng lên giá, đô la Mỹ sẽ càng vào nhiều, bởi chỉ cần mua trái phiếu Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài đã có lợi nhuận kép: lãi suất và chênh lệch tỷ giá.
Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ, thì trái phiếu hay chứng khoán có bán cho nước ngoài bằng đô la? Còn nếu vẫn bán bằng tiền đồng, làm sao họ mua? Ngoại tệ vào mà không đổi ra tiền đồng được, không sinh lời được, ngoại tệ lại chảy ra. Chịu tác động lớn nhất của vòng luẩn quẩn này chính là tăng trưởng kinh tế.
Sau khi không ít ngân hàng cổ phần tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng, vốn huy động đã tăng. Cùng lúc một khối lượng đáng kể, khoảng 5.000 tỉ đồng, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác mà ngân hàng đang nắm giữ sắp sửa đáo hạn. Cung tiền đồng sẽ không còn khó khăn như tháng 11/2007. Nhưng tỷ giá hối đoái vẫn chưa có được “những giây phút bình yên” trở lại như lãi suất tiền đồng. Vì sao?
Mua ngoại tệ thấp hơn tỷ giá niêm yết
Nhập siêu của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã vượt 10 tỉ đô la Mỹ và chưa dừng lại khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng như một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang tăng mạnh vào những tuần cuối năm. Nhu cầu ngoại tệ gia tăng từ các nhà nhập khẩu đã giúp các ngân hàng cân đối phần nào lượng ngoại tệ mua vào.
Tuy nhiên các ngân hàng vẫn không dám mở vòng tay rộng hơn đón luồng ngoại tệ vì trạng thái ngoại hối dư thừa không còn nhiều và vì tỷ giá chính thức đang giảm, càng mua càng lỗ.
Giá bán ngoại tệ của ngân hàng cho các nhà nhập khẩu đúng bằng giá niêm yết (16.035 đồng/đô la Mỹ - tỷ giá ngày 15/12/2007 sau khi đã giảm hết biên độ cho phép là cộng trừ 0,5%), nhưng giá mua đô la từ doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết thấp hơn giá niêm yết 10 đồng/đô la Mỹ.
Để hạch toán khoản chênh lệch này của tỷ giá, các ngân hàng đưa vào hình thức mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, nâng phí giao dịch. Giám đốc một ngân hàng nói: “Mười đồng/đô la Mỹ còn là mức chấp nhận được. Tôi e càng về cuối năm, mức chênh lệch càng cao hơn”.
Theo khảo sát của chúng tôi, vào tuần thứ ba của tháng 11/2007, khi tiền đồng quá khan hiếm, một số ngân hàng thậm chí đã mua ngoại tệ thấp hơn tới 80 đồng/đô la Mỹ so với giá niêm yết.
Không ít công ty xuất khẩu đã phải “cắn răng” bán ngoại tệ với mức chênh lệch trên vì thiếu tiền đồng. Ngân hàng cũng ở vào thế “quay đi mắc núi, trở lại mắc sông” vì mua ngoại tệ là lỗ, còn không mua thì mất khách hàng.
Ngoại tệ đang ứ đọng trên thị trường. Nói chính xác là ứ đọng trên tài khoản của các nhà xuất khẩu, của đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại. Nguyên nhân chính là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua nhỏ giọt và có ngày ngưng mua đô la Mỹ. Một ngân hàng nói họ đăng ký bán 10 triệu đô la Mỹ/ngày, Ngân hàng Nhà nước giải quyết mua cho 500.000 - 600.000 đô la/ngày. Ngân hàng khác đăng ký bán nhiều hơn, được linh động mua 1 triệu đô la Mỹ.
Cung ngoại tệ giống như quả bóng đang được bơm căng và ngày càng căng, nhưng chưa có những lỗ thủng xì hơi! Bây giờ Ngân hàng Nhà nước châm đâu, nó sẽ xì hơi ở đó, còn không, nó sẽ căng mãi và khi sức chịu đựng đã hết, quả bóng không thể không nổ!
Ra rìa dự trữ bắt buộc
Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ tối đa để giảm lượng tiền đồng đưa ra lưu thông, kiềm chế lạm phát. Tín hiệu ấy đã được phát đi rõ ràng từ mấy tháng nay. Tuy nhiên động thái một chiều đó đang làm mất cân đối nghiêm trọng cung cầu tiền tệ và cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô. Sự lúng túng thể hiện ở chỗ Ngân hàng Nhà nước đã không sử dụng một cách nhịp nhàng các công cụ sẵn có trong tay để điều hòa thị trường.
Hai kênh để hút tiền về hiệu quả nhất là thị trường mở và dự trữ bắt buộc đều đang uể oải (chưa kể kênh trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính điều hành). Đáng ngạc nhiên là từ đầu năm đến nay, dự trữ bắt buộc mới chỉ tăng một lần và đang ở mức 10% tổng vốn huy động (Trung Quốc năm nay đã tăng dự trữ bắt buộc 10 lần dù lạm phát đang thấp hơn Việt Nam, 6,9%).
Tăng dự trữ bắt buộc đang trở nên cấp bách khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang quá nóng, tới 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi dự trữ bắt buộc tăng lên. Vậy liệu Ngân hàng Nhà nước có thể bù đắp bằng cách trả lãi suất ở mức nhất định cho khoản dự trữ bắt buộc tăng thêm này?
Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước đang kinh doanh có lời, và theo một nguồn tin đáng tin cậy, mức lời của năm nay lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Chỉ cần một phần của số này dành bù đắp lãi suất cho dự trữ bắt buộc, một lượng tiền đáng kể sẽ được hút về từ lưu thông.
Câu hỏi mà cả thị trường đang ngóng chờ trả lời bây giờ là Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách mua nhỏ giọt ngoại tệ đến bao giờ? Có những dự đoán hết tháng 12/2007, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ mua tiếp ngoại tệ như đã làm năm ngoái. Nhưng cũng có ý kiến đoán chắc việc ngưng hoặc mua cầm chừng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài.
Những ý tưởng bị lãng quên
Một năm sau ngày gia nhập WTO, Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn và độ hấp dẫn vẫn đang tăng lên, vốn ngoại cả trực tiếp lẫn gián tiếp sẽ còn chảy vào. Ngoại tệ là nguồn lực mạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiện nay và những năm sau. Có nên chăng nói rằng chúng ta đang thừa ngoại tệ và Ngân hàng Nhà nước không mua vào?
Ở góc độ tăng trưởng kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ và để ngoại tệ trôi nổi trên thị trường, “chết chìm” trong tài khoản ngân hàng là không chấp nhận được. Đưa tiền ra mua đô la nhằm tăng dự trữ ngoại hối, sử dụng linh hoạt các kênh khác đưa tiền về, thậm chí chấp nhận một phần lạm phát, là sự đánh đổi xác đáng cho nền kinh tế đi lên.
Mặt khác, khi ngoại tệ đang dồn đọng, cơ thể đang ứ máu, đã đến lúc phải mở cửa cho người dân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Trong Pháp lệnh ngoại hối ban hành ngày 28/12/2005, có hiệu lực đầu năm 2006, đã manh nha ý tưởng cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nội địa chảy ra ngoài, theo đó người dân Việt Nam có thể mua chứng khoán nước ngoài, kinh doanh ở nước ngoài. Đóng cửa ngoại tệ trong nước là ngủ quên trên ý tưởng đó. Cái cần hiện nay là tạo một hành lang pháp lý cho đầu tư Việt Nam ra nước ngoài!
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước khi trả lời các định chế tài chính quốc tế đã nói việc khách hàng cá nhân chuyển tiền ra do các ngân hàng tự quy định. Sự đổ thừa ấy nghe ra không phù hợp, vì ngân hàng nào dám làm chuyện đó một khi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn?
Trở lại câu hỏi Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì với dòng vốn ngoại tệ đang vào, có thể thấy sự thụ động có lợi cho cơ quan quản lý. Khi dự trữ bắt buộc bị gạt ra lề, khi thị trường mở và phát hành trái phiếu không được điều hành hợp lý để đưa lại hiệu quả mong muốn, ngưng mua ngoại tệ là động thái dễ nhất để thực hiện. Hậu quả trước mắt là ngân hàng và doanh nghiệp khó khăn.
Về lâu dài, khi chính sách ngưng mua ngoại tệ tiếp tục, khả năng đồng Việt Nam lên giá là điều không còn phải bàn luận. Điều này liệu có thúc đẩy xuất khẩu? Hơn nữa, tiền đồng càng lên giá, đô la Mỹ sẽ càng vào nhiều, bởi chỉ cần mua trái phiếu Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài đã có lợi nhuận kép: lãi suất và chênh lệch tỷ giá.
Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ, thì trái phiếu hay chứng khoán có bán cho nước ngoài bằng đô la? Còn nếu vẫn bán bằng tiền đồng, làm sao họ mua? Ngoại tệ vào mà không đổi ra tiền đồng được, không sinh lời được, ngoại tệ lại chảy ra. Chịu tác động lớn nhất của vòng luẩn quẩn này chính là tăng trưởng kinh tế.