Vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Sự thâm nhập sâu rộng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghệ tài chính mới mang lại nhiều đổi mới nhưng cũng khiến thị trường tài chính trở nên phức tạp hơn và gia tăng rủi ro...
Để xử lý, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc nâng cao năng lực giám sát rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng tài chính của các cơ quan chức năng như tổ chức bảo hiểm tiền gửi là rất quan trọng.
Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính về cơ bản là bảo vệ các quyền chính đáng và hợp pháp của người tiêu dùng tài chính. Ở Việt Nam, quyền của người tiêu dùng được xác lập và quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vẫn chưa có các quy định tách riêng cho người tiêu dùng tài chính.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chứng minh hiệu quả vai trò này của mình thông qua việc bảo vệ trực tiếp và bảo vệ gián tiếp người gửi tiền, cũng chính là người tiêu dùng tài chính.
Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua chức năng chi trả cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát rủi ro; tham gia hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý đổ vỡ tổ chức tín dụng; nâng cao kiến thức tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tiền gửi cho người tiêu dùng tài chính qua việc tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi… Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng gián tiếp bảo vệ người gửi tiền.
Để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy tốt hơn vai trò của một thiết chế bảo vệ người gửi tiền nói riêng và người tiêu dùng tài chính nói chung, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần được bổ sung vốn điều lệ; nâng cao vị thế, mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình chi trả sang mô hình giảm thiểu và giám sát rủi ro.
Trên cơ sở năng lực và vị thế được nâng cao, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần được tham gia sâu hơn vào việc kiểm tra, giám sát rủi ro, hỗ trợ xử lý khủng hoảng các tổ chức tín dụng; có tiếng nói và thẩm quyền lớn hơn trong việc tham gia ngăn chặn và giải quyết đổ vỡ của các tổ chức tín dụng mà không giới hạn là các quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô như hiện nay. Trong quá trình xây dựng mạng lưới an toàn tài chính ở Việt Nam, cần định vị vai trò và chức năng độc lập, chủ động và tích cực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ trong các hệ thống nghiệp vụ như tính phí, giám sát, chi trả là rất quan trọng và thông qua các chương trình, phần mềm trực tuyến... không chỉ giúp các nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi có khả năng được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác mà còn giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm nguồn lực hơn so với hình thức nghiệp vụ truyền thống. Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ như thu thập thông tin giám sát; phân tích rủi ro; xếp hạng tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi…
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã sử dụng công cụ phân tích Oracle Advanced Analysis với các kỹ năng, mô hình phân tích hiệu quả cao dựa trên thông tin giám sát từ Ngân hàng Nhà nước và cơ quan giám sát, từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và những đơn vị cung cấp thông tin; đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) giúp tin học hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, qua đó tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn hệ thống. Từ đó, bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính giúp người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các đối tượng yếu thế có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý và tránh được các rủi ro.
Thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiểu biết của người gửi tiền trong thời gian tới. Việc xây dựng và thực thi chiến lược truyền thông bài bản là vấn đề cần được ưu tiên.