08:02 18/08/2021

Vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới đang gia tăng

Chu Khôi

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp...

Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm có chiều hướng gia tăng.
Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm có chiều hướng gia tăng.

Chiều 17/8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 5220/BNN-TY gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc phối hợp chỉ đạo tăng cường kiểm soát vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới.

Công văn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết theo báo cáo của các địa phương, phản ánh của người dân, cơ quan truyền thông, từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng buôn bán, từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới đang gia tăng - Ảnh 1

Trong gần 8 tháng, các cơ quan liên quan của các địa phương đã phát hiện, xử lý tiêu hủy trên 120.000 con gia cầm giống và hàng chục tấn sản phẩm gia cầm nhập lậu. Riêng trong nửa đầu tháng 8/2021 đã phát hiện, xử lý tiêu hủy trên 50.000 con gia cầm giống và hàng trăm kg sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Công văn cũng nêu rõ, trong 7 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra tại 90 xã thuộc 62 huyện của 28 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 350.000 con con gia cầm (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2020).

Trong đó, dịch bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh giáp biên giới phía Bắc (như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên,...).

Đặc biệt, từ tháng 6/2021, lần đầu tiên phát hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 xâm nhiễm từ nước ngoài vào và gây bệnh trên gia cầm tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Quảng Ninh, sau đó đã lây lan đến 9 tỉnh, thành phố khác, dẫn đến buộc phải tiêu hủy trên 22.000 con gia cầm.

 
Nguy cơ dịch bệnh Cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi gia cầm của nước ta (hiện có tổng đàn hơn 500 triệu con).

Các cơ quan thú y đã tổ chức chủ động lấy mẫu giám sát Cúm gia cầm tại các chợ, điểm buôn bán gia cầm của các tỉnh biên giới (như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh) và đã phát hiện tỷ lệ dương tính với vi rút Cúm gia cầm A/H5 (có thể lây sang người) là 4%. Trong đó chủng vi rút Cúm A/H5N6 chiếm 77%.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản rất quan trọng như: Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Công điện 163/CĐ-TTg ngày 08/02/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu.

Cụ thể, đề nghị chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.  

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn gia cầm, sản phẩm gia cầm buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.