07:49 10/09/2022

VCCI đề xuất đưa thuế xuất khẩu viên gỗ nén và viên than gỗ về 0%

Hoàng Lan

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản (Viforest), Việt Nam xuất khẩu viên gỗ nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với sản lượng và giá trị liên tục tăng. Riêng năm 2021, xuất khẩu đạt trên 3,5 triệu tấn, giá trị 400 triệu USD...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Góp ý cho Dự thảo (lần 2) Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên gỗ nén và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%.

Theo VCCI, mặt hàng viên than gỗ, hiện có thuế suất xuất khẩu 10%, được sản xuất từ mặt hàng viên gỗ nén, hiện có thuế suất xuất khẩu 0%. Các mức thuế suất như vậy là bất hợp lý vì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu sẽ không khuyến khích được quá trình sản xuất trong nước.

 

Nếu áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% cho mặt hàng viên nén gỗ thì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu, gây tác động bất lợi cho sản xuất trong nước.

(Góp ý dự thảo của VCCI)

Do đó, việc sửa đổi thuế suất của cả hai mặt hàng này về cùng một mức là hợp lý. Theo đó, dự thảo đưa ra hai phương án là thuế suất của cả hai mặt hàng này sẽ cùng là 5% (phương án 1) hoặc 10% (phương án 2).

Tuy nhiên, cả hai phương án này đều chưa tính đến mối tương quan với mặt hàng dăm gỗ và vỏ bào. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặt hàng viên gỗ nén được sản xuất bằng cách nén chặt dăm gỗ, vỏ bào, mùn cưa, phế liệu gỗ… Trong khi đó, thuế suất xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ hiện nay là 2% và vỏ bào là 0%.

Như vậy, nếu áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% cho mặt hàng viên nén gỗ thì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu, gây tác động bất lợi cho sản xuất trong nước.

Với các lý do đó, VCCI đề xuất điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên gỗ nén và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%.

Theo Viforest, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng viên nén gỗ đang chiếm gần 3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Theo đó, với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với sự kiện các nước trên thế giới cam kết giảm lượng phát khí thải CO2 tại sự kiện COP26 vừa qua, hiện Việt Nam đã vươn lên là thị trường cung viên nén thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ (đạt 1,05 tỷ USD).

Với EU, thị trường còn nhiều dư địa với Việt Nam và việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga khiến EU đang gia tăng nhập khẩu viên nén từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), điểm sáng nhất  trong bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ 8 tháng đầu năm là giá xuất khẩu viên nén (viên năng lượng sinh khối), dăm gỗ tăng 150 - 200%.

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới, thị trường viên nén gỗ toàn cầu dự kiến ​​đạt 15,63 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm 7,28% trong giai đoạn 2021-2026. Do đó, sản phẩm viên gỗ nén từ Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng.