10:19 13/03/2009

Vì sao HASTC chưa đưa cổ phiếu vào kiểm soát?

H.Xuân

Nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi tại sao HASTC chưa đưa cổ phiếu của doanh nghiệp bị lỗ năm 2008 vào diện kiểm soát?

"Khi nào doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán mà xác định lỗ thì chúng tôi cũng sẽ có công bố toàn thị trường".
"Khi nào doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán mà xác định lỗ thì chúng tôi cũng sẽ có công bố toàn thị trường".
Nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi tại sao Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) chưa đưa cổ phiếu của doanh nghiệp bị lỗ năm 2008 vào diện kiểm soát?

Phải chăng, mức độ lỗ của các doanh nghiệp trên HASTC không nghiêm trọng đến mức phải cảnh báo?

Trả lời những câu hỏi này, ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó giám đốc HASTC, nói:

- Thống kê tức thời của chúng tôi, có 9 doanh nghiệp trên HASTC bị rơi vào diện lỗ trong kinh doanh năm 2008.

Theo nhận định của chúng tôi: số lượng doanh nghiệp lỗ không lớn và nếu tuân thủ đúng quy chế giao dịch của Trung tâm thì phải chờ đến báo cáo kiểm toán thì mới là con số chính thức về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp công bố lỗ nhưng kiểm toán lãi, nếu đưa họ vào kiểm soát không theo quy chế thì khi đưa họ ra sẽ phải làm như thế nào.

Tất nhiên, đây là trường hợp hãn hữu vì đa số quan điểm đều cho rằng, doanh nghiệp đã công bố lỗ thì sau khi kiểm toán chỉ có lỗ thêm, không thể có lãi được.

Nếu xét trên góc độ bảo vệ nhà đầu tư, thì việc cảnh báo sớm không phải là không cần thiết. Tại sao HASTC không cảnh báo trước cho nhà đầu tư ngay khi chưa có báo cáo kiểm toán giống như HOSE, thưa ông?

Khi nào doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán mà xác định lỗ thì chúng tôi cũng sẽ có công bố toàn thị trường. Chuyện lỗ của các doanh nghiệp đều xuất phát từ sự khó khăn chung của nền kinh tế, chứ không phải lỗ trong khi nền kinh tế đang phát triển.

Mục đích của việc đưa doanh nghiệp vào diện kiểm soát là trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường mà doanh nghiệp bị lỗ do quản lý kém, vi phạm pháp luật...

Nói như vậy, để thấy rằng, nếu HASTC đưa doanh nghiệp lỗ (mà chưa có báo cáo kiểm toán) vào diện kiểm soát cũng là chưa đúng quy chế. Chính vì lẽ đó, thay vì đưa vào diện kiểm soát doanh nghiệp lỗ thì HASTC chỉ áp dụng cảnh báo thôi.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM rất cẩn trọng khi doanh nghiệp thông báo lỗ và đưa các doanh nghiệp này vào diện kiểm soát, còn Hà Nội cẩn trọng trên giác độ khác, đó là theo quy định và như vậy thì phải chờ báo cáo kiểm toán. Nhưng các công ty lỗ đều phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán ngay.

Nhưng rõ ràng, cùng một sự việc là doanh nghiệp lỗ nhưng cách làm của hai Sở giao dịch là khác nhau. Theo ông có cách nào thống nhất cho cả hai nơi không?

Đó chính là điều mà hiện nay phải có sự thống nhất.

Trong quá trình HASTC chuyển thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội như hiện nay thì chúng tôi cũng sẽ sửa quy chế về niêm yết, trong đó cũng đặt ra vấn đề là có nhất thiết phải chờ báo cáo kiểm toán hay chỉ cần báo cáo quý 4, lũy kế để đưa vào diện kiểm soát.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đặt ra khái niệm cảnh báo, kiểm soát và dừng kiểm soát, bởi nếu trong hệ thống ngân hàng thì diện kiểm soát sẽ rất căng thẳng, gần như Ngân hàng Nhà nước sẽ vào kiểm tra toàn bộ hoạt động của ngân hàng đó.

Nhưng đối với công ty niêm yết thì không hẳn là như vậy, nó chỉ có ý nghĩa là cảnh báo mà thôi.

Ngoài ra, cũng nên quy định chi tiết thời hạn doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo, sau cảnh báo sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát, thời gian bao lâu thì được loại trừ ra khỏi danh sách này.

Trước đây chúng ta không tính đến thực tế sẽ xảy ra như thế này, hoặc nếu có thì với xác suất thấp. Tất nhiên, trong bối cảnh thị trường mới thì mọi quy định đều không thể chuẩn ngay được và phải có quá trình.

Nói như vậy, để thấy rằng, không phải HASTC bỏ rơi hay không bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.