10:16 24/11/2021

Vì sao Masan “kín tiếng” khi ra mắt mạng di động Reddi?

Song Hoàng

Để chen chân vào thị trường viễn thông, nơi có cuộc đua tam mã giữa Vinaphone, Mobiphone, Viettel là thách thức lớn cho Reddi dù họ không đối đầu trực tiếp. ..

Reddi được ra mắt tại các siêu thị của Masan với cách thức không quá ồn ào
Reddi được ra mắt tại các siêu thị của Masan với cách thức không quá ồn ào

Ngày 3/6/2020, Công ty Cổ phần Mobicast đã tổ chức sự kiện khai trương nhà mạng thương hiệu Reddi với đầu số 055. Buổi lễ ra mắt Reddi khá quy mô, rầm rộ.

Trước khi Reddi ra mắt, một nhà mạng ảo khác cũng đã xuất hiện khá ồn ào, đó là I-Telecom của Công ty Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom.

THÁCH THỨC QUÁ LỚN CHO NGƯỜI ĐẾN SAU

Mạng di động ảo, hiểu nôm na là hình thức mua buôn lưu lượng của các nhà mạng lớn như VNPT để bán lẻ đến khách hàng. Mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) sẽ được cấp phép đầu số mới để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Về bản chất, những công ty viễn thông lớn, sẽ luôn có những phần dung lượng mạng mà họ hiếm khi sử dụng. Để có thêm doanh thu, một số công ty viễn thông sẽ bán phần dung lượng dư cho công ty kinh doanh MVNO.

Ở thời điểm ra mắt kể trên, đại diên của Công ty MobiCast cho rằng, mạng di động ảo Reddi sẽ giống Uber, Grab, mang đến những thay đổi cho ngành viễn thông Việt Nam, sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông mà không sở hữu hạ tầng mạng.

Nhưng, để chen chân vào thị trường viễn thông, nơi có cuộc đua "tam mã" VinaPhone, MobiFone, Viettel là thách thức quá lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả những doanh nghiệp đi thuê hạ tầng như Reddi.

Các chuyên gia về công nghệ, viễn thông ở thời điểm đó đã đánh giá, Reddi hay I-Telecom phải có một chiến lược đột phá, xuất thần may ra mới có cơ hội tìm được chỗ đứng ổn định, trước khi tính đến việc vươn lên thành một thế lực mới trên thị trường.

RA MẮT RỒI MẤT HÚT

Không nằm ngoài dự đoán, kể từ khi ra mắt khá ồn ào, I-Telecom đã "chìm nghỉm" trên thị trường. Trang web của nhà mạng này hiện vẫn tồn tại nhưng không có bất kỳ hình ảnh hay clip nào được đăng tải, cập nhật để chứng tỏ nhà mạng này đang sống.

Tình trạng "mất hút" cũng diễn ra với Reddi của Mobicast ngay sau buổi lễ công bố ra mắt. 15 tháng sau khi ra mắt, Reddi bất ngờ được bán cho một công ty thành viên của Masan với giá gần 300 tỷ đồng.

Và tới ngày 20/11 vừa qua, Reddi được Masan chính thức giới thiệu lại, với mục tiêu mới, tầm nhìn mới.

Với Masan, Reddi có nhiều cơ hội hơn để phát triển. Tập đoàn này sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Họ có thể phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.

Qua thông cáo báo chí, Tổng giám đốc Masan Group, ông Danny Le cho biết: “Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa “Point of Life”, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất. Dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, “Point of Life” đã có tất cả các mảng ghép chiến lược cần thiết để thu hút người tiêu dùng với chi phí hiệu quả. Từ đó, giúp người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với hiện tại. Đây chính là mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng nền tảng này.”

Mặc dù Masan đặt ra mục tiêu cũng như kỳ vọng lớn với Reddi, nhưng ngày 20/11 vừa qua, khi ra mắt nhà mạng mới của mình, tập đoàn này đã chọn quảng bá khá khác biệt.

Họ không tổ chức một sự kiện khai trương như cách thức thường thấy, thay vào đó, Tập đoàn này chỉ gửi thông cáo tới một số cơ quan báo chí về chương trình đấu giá phi lợi nhuận sim số đuôi 2011 của Reddi để tặng thầy cô nhân ngày 20/11. Các tin bài truyền thông về nhà mạng mới, đầu số mới nhưng lại nhắc nhiều tới kỷ niệm thày trò, nỗi nhớ nhung trường lớp cũ.

Và thông tin về Reddi chỉ được nhắc tới một cách khiêm tốn, ngắn gọn.

Việc tái ra mắt một thương hiệu mạng di động mới mà cũ, giống như cách Masan đã làm với Reddi là tương đối lạ, khác với thông lệ mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện.

Theo nhận định của một số chuyên gia truyền thông, marketing, thì cách làm như vậy là lựa chọn phù hợp của Masan. Đơn vị này chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, nhà mạng mới mua về cũng chưa có bất kỳ dấu ấn nào trên thị trường để khách hàng nhớ mặt, nhớ tên.

Hơn nữa, phân khúc thị trường mạng ảo tại Việt Nam dù tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển?

Lãnh đạo một số mạng có hạ tầng cho rằng, hiện nay lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các mạng “ảo” ra đời chủ yếu phải đi vào các thị trường ngách, tuy nhiên ngay cả thị trường ngách (như cung cấp cho khu công nghiệp, khu đô thị,…) thì các nhà mạng lớn đã phủ khắp và cũng đang cạnh tranh khốc liệt.

Việc Masan sở hữu nguồn khách hàng thân thiết và hệ thống đại lý cửa hàng dày đặc là yếu tố cần chứ chưa đủ. Để thuyết phục khách hàng dùng thêm một số di động mới là điều không hề dễ dàng.

Đây có lẽ là những lý do, khiến Masan khá thận trọng, dè dặt khi quảng bá Reddi. Họ đang chọn cách tiếp cận âm thầm nhưng với chiến lược chắc chắn hơn những thương hiệu đã từng xuất hiện rồi biến mất.

Tuy nhiên, như đã nói, với cỗ xe tam mã MobiFone, Viettel, VinaPhone đang trên đường đua khốc liệt thì người tiêu dùng Việt Nam đang rất nhiều lựa chọn. Mức phí cho các gói cước cũng không còn là vấn đề khi người dùng có thể tận dụng wifi ở khắp mọi nơi để gọi hội thoại, livestream...

VNPT, MobiFone vừa được Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile money, do vậy con đường tiến vào "vùng đất" viễn thông của Reddi chắc chắn sẽ chông gai hơn.