14:17 23/04/2014

Vì sao Vietcombank dự kiến lợi nhuận giảm?

Minh Đức

Vietcombank không đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2014 như năm vừa qua, vì nhiều lẽ

Ông Nghiên Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank: “Với việc thực hiện các chuẩn mức tốt hơn, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng 
nhất định, nhưng để hoạt động bền vững hơn như vậy thì tôi nghĩ các cổ 
đông cũng có thể chia sẻ”.
Ông Nghiên Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank: “Với việc thực hiện các chuẩn mức tốt hơn, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nhất định, nhưng để hoạt động bền vững hơn như vậy thì tôi nghĩ các cổ đông cũng có thể chia sẻ”.
Sáng 23/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2014. Triển vọng kinh doanh đặt ra tại đây có những điểm đáng chú ý.

Cụ thể, hầu hết các chỉ tiêu Vietcombank đề ra cho năm nay đều hướng đến mức tăng trưởng đáng kể so với 2013, như tổng tài sản dự kiến đạt 520,58 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; tổng dư nợ khoảng 309,97 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; số chi nhánh tăng thêm là 16; nợ xấu kiềm chế dưới 3%...

Nhưng riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, năm nay Vietcombank đặt chỉ tiêu chỉ ở mức 5.500 tỷ đồng, giảm 4,23% so với mức 5.743 tỷ đồng năm 2013.

Về chỉ tiêu lợi nhuận giảm so với năm ngoái, trao đổi với VnEconomy, ông Nghiên Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank lý giải một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, ngoài bối cảnh kinh doanh khó khăn chung, 2014 được xác định là năm tập trung thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn, các tiêu chuẩn cao hơn. Vietcombank cũng như các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện theo Thông tư 09 từ 1/6 tới, mà áp lực gia tăng trích lập dự phòng là một yêu cầu rõ ràng.

Tại Vietcombank, năm nay đề ra mức trích lập dự phòng rủi ro để thực hiện định hướng trên là khoảng 5.000 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nhất định, và cũng là một lý do để đưa ra chỉ tiêu thấp hơn năm ngoái.

Cũng chính vì thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng theo tiêu chuẩn cao hơn, áp lực gia tăng nợ xấu trong năm nay sẽ lớn. Ông Thành cho biết, mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% là áp lực, nhưng sẽ quyết liệt để đảm bảo.

Với Vietcombank, trong năm 2013 cũng đã có sự chủ động thực hiện trước việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo định hướng Thông tư 02, mà sau đó là Thông tư 09 sửa đổi và bổ sung. Việc chủ động là để hạn chế khoảng cách và độ “hẫng” nếu chuyển đột ngột từ việc thực hiện theo cơ chế của Quyết định 493 hiện nay.

Mặt khác, cách đây khoảng một tháng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn Vietcombank là ngân hàng thương mại thí điểm thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động theo Basel 2. Với tiêu chuẩn cao hơn, hoạt động ngân hàng sẽ bên vững hơn nhưng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc sử dụng vốn và lợi nhuận, thậm chí hệ số an toàn vốn có thể giảm (của Vietcombank hiện ở khoảng 13,4%).

Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, việc áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn trong hoạt động theo Basel 2 là rất khó, nhiều ngân hàng thương mại hiện nay chưa thể thực hiện được, bản thân Vietcombank cũng sẽ phải rất cố gắng.

“Với việc thực hiện các chuẩn mức tốt hơn, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nhất định, nhưng để hoạt động bền vững hơn như vậy thì tôi nghĩ các cổ đông cũng có thể chia sẻ”, ông Thành nói.

Riêng về nợ xấu, Tổng giám đốc Vietcombank cũng lưu ý, hiện vẫn có nhiều khoản có triển vọng thu hồi được. Như trong 6 tháng cuối năm 2013, ngân hàng này đã tập trung xử lý và thu hồi được tới 732 tỷ đồng, bằng 86% số thu được của cả năm.

Thứ hai, về lý do đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm, là bởi lãi suất cho vay đã giảm nhanh về mức thấp cuối 2013 và đầu 2014, tỷ lệ lãi biên co lại. Theo ông Thành, do Vietcombank có tỷ trọng các khoản cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên chiếm tới khoảng 50%, phần lớn đang áp trần lãi suất cho vay hoặc được áp lãi suất thấp nên lợi nhuận cũng có sự hạn chế nhất định.

Trong năm 2014, Vietcombank vẫn tiếp tục tập trung ở những lĩnh vực ưu tiên đó. Tăng trưởng tín dụng chung cả năm có chỉ tiêu là 13%, nhưng đây là mức bước đầu Ngân hàng Nhà nước giao. Ông Thành kỳ vọng, cả năm sẽ xin thêm chỉ tiêu và phấn đấu đạt khoảng 15%.

Riêng trong quý 1, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt 1,37%, trong khi 6 tháng đầu năm 2013 vẫn âm. Cũng trong quý 1, cả lợi nhuận và trích lập dự phòng rủi ro chuẩn bị cho cơ chế phân loại nợ mới đều đã thực hiện được 25% kế hoạch cả năm, đạt tiến độ.

Ngoài những nội dung trên, dự kiến trong năm nay Vietcombank sẽ thành lập công ty tín dụng tiêu dùng để phát triển thêm mảng khách hàng cá nhân, cũng như trù tính kế hoạch mở chi nhánh tại Lào và Myanmar.

Ông Thành cũng cho biết thêm, Vietcombank hiện cũng đang nghiên cứu và sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại, khi có điều kiện và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.